Nhiều nguy cơ dịch cúm gia cầm

Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch cúm A(H5N1) có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi tình trạng người dân đang còn chủ quan trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm và săn bắt chim hoang dã còn khá phổ biến.

Gỡ và tiêu hủy bẫy chim trời

Nguy cơ từ săn bắt chim trời

Một bệnh nhân nam tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa vừa tử vong được xác định bị nhiễm dịch cúm A(H5N1). Điều đáng chú ý, qua điều tra dịch tễ trước, trong và sau tết Nguyên đán đến nay, bệnh nhân này không tiếp xúc với gia cầm nuôi. Trong khu vực bệnh nhân sinh sống cũng không xảy ra tình trạng gia cầm ốm, chết. Trong khi đó, vào khoảng thời gian này, bệnh nhân ghi nhận cúm A(H5N1) có đi bẫy chim hoang dã tại khu vực lân cận của người này sinh sống.

Từ kết quả điều tra, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và các chuyên gia đưa ra nhận định, không có bất cứ lý do gì mà người này bị dịch cúm A(H5N1) ngoài việc có tiếp xúc với chim hoang dã trong quá trình săn bắt. Điều này có thể khẳng định trường hợp này bị dịch cúm A(H5N1) có thể lây nhiễm từ chim hoang dã bị mắc bệnh dịch cúm gia cầm.

Ông Nguyễn Ngọc Đáp, người được mệnh danh là “kiểm lâm” ở rú Chá, xã Hương Phong (TP. Huế) chia sẻ, hiện tại rú Chá và khu vực rừng ngập mặn có nhiều loài chim hoang dã bản địa và chim từ nhiều nơi khác đến di trú. Các khu vực lân cận, trên cánh đồng hiện cũng có nhiều loài chim hoang dã hằng ngày vẫn bay đến tìm kiếm thức ăn.

Theo ông Đáp, mặc dù cán bộ kiểm lâm, công an địa phương nhiều lần tuần tra, tháo gỡ bẫy chim nhưng tại khu vực rú Chá, cánh đồng lân cận rú thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng người dân ở nơi khác đến săn bẫy chim trời. Một số người, không rõ ở địa phương hay nơi khác đến dùng ná bắn chim ở rú Chá. Mặc dù ông Đáp mỗi lần phát hiện đã xua đuổi, ngăn chặn nhưng tình trạng người dân lén lút săn, bắn chim ở rú Chá và tại khu rừng ngập mặn gần đó vẫn tỉnh thoảng xảy ra.

Tiêm vắc xin cho gia cầm

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, những năm gần đây, nhất là vào mùa này tình trạng săn bắt chim hoang dã giảm rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, tình trạng lén lút, thỉnh thoảng người dân vẫn săn bắt chim trời vẫn còn diễn ra, là điều đáng lo ngại và báo động trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng.

Hiện nay, nhiều nước lân cận, nhiều tỉnh, thành đang có dịch cúm A(H5N1), các loài chim ở các địa phương này có thể bị nhiễm dịch bệnh và lây nhiễm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh khi chúng di trú, đến tìm kiếm thức ăn chung với gia cầm, chim bản địa. Vi- rút cúm gia cầm cũng đang lưu hành, tiềm ẩn trong môi trường nên có nhiều nguy cơ lây nhiễm trên các loài chim hoang dã, gia cầm nuôi của người dân.

Ông Lê Ngọc Tuấn cảnh báo, người dân hoàn toàn không nên sắn bắt chim hoang dã để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch cúm A(H5N1) gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, không chỉ không sắn bắt mà còn phải có ý thức bảo tồn, bảo vệ chim hoang dã cũng chính là bảo vệ môi trường, sinh thái cho sự sống muôn loài và chính chúng ta.

Cảnh báo đến từ…nhà bếp

Trong khi cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể tái bùng phát và lây sang người thì một bộ phận người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chủ quan, thiếu cảnh giác với loại dịch nguy hiểm này. Hầu hết, các hộ chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ vài chục con đều khẳng định hoàn toàn nuôi thả rông, không tiêm vắc- xin. Một hộ nuôi gà bảo rằng: “Bữa ni có dịch nữa đâu mà sợ”.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm. Các chủ trang trại đều tuân thủ tốt việc tiêm vắc- xin đầy đủ cho đàn gia cầm, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại chuồng trại và khu vực quanh chuồng trại; thường xuyên theo dõi chim di cư đến tìm kiếm thức ăn quanh chuồng trại để xua đuổi.

Tiêu độc, khử trùng những nơi có nguy cơ dịch cúm gia cầm

Ngành chăn nuôi và thú y tỏ ra lo ngại trước tình trạng chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, khó kiểm soát, khó nắm bắt hộ nuôi, tổng đàn để tiêm vắc -xin kịp thời và đầy đủ. Hầu hết, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ không chấp hành quy định về xã hội hóa phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, chỉ cần người dân khi nuôi gia cầm phải khai báo, đăng ký với địa phương, cơ quan thú y sẽ được nhận vắc- xin và hướng dẫn cách tiêm, sử dụng hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi.

Còn những người bán và cả người mua gia cầm sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh, có lẽ lâu rồi không có dịch cúm A (H5N1) nên tỏ ra chủ quan, “quên” các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Quan sát của chúng tôi, phần lớn người bán lẫn người mua gia cầm sống đều không đeo khẩu trang, đặc biệt gia cầm đã giết mổ bán không có dấu tem kiểm dịch như mọi khi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cảnh báo, virus cúm A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, khi lây sang người thì có thể gây tử vong từ 50-90%. Không chỉ người chăn nuôi mà đặc biệt là người nội trợ phải là “người thông thái”, đề cao cảnh giác với loại dịch cúm nguy hiểm này.

Theo cảnh báo của ngành y tế và thú y, cả người giết mổ, người chế biến sản phẩm gia cầm cần phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Gia cầm được bán tại các chợ phải được giết mổ tại các lò mổ tập trung để được kiểm soát, kiểm dịch trước khi xuất bán ra các chợ. Người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Gia cầm trước khi sử dụng làm thực phẩm cho gia đình phải đảm bảo nấu chín, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Các thương lái, người nội trợ không nên giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/nhieu-nguy-co-dich-cum-gia-cam-139203.html