Nhiều người Mỹ sẽ tiếp tục thất nghiệp dù ai lên làm tổng thống

Theo CNN, dù ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cuộc khủng hoảng việc làm tại Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nghiêm trọng và là vấn đề lớn với chính quyền Washington.

"Chỉ còn 15 ngày nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Nhưng bất kể ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới, một trong những vấn đề cấp bách nhất mà chính quyền mới phải giải quyết là thị trường việc làm của Mỹ", nhà báo Anneken Tappe của CNN viết.

"Một thực tế phũ phàng là dù tổng thống Mỹ là ai vào ngày 20/1, số lượng công ăn việc làm tại Mỹ vẫn bị sụt giảm", ông Beth Ann Bovino, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ của S&P Global, nhận định trong báo cáo công bố hôm 19/10.

"Những cảnh báo về suy thoái kinh tế đã giảm bớt, nhưng dữ liệu về thị trường lao động cho thấy nền kinh tế đang sa lầy trong sự phục hồi yếu ớt. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 7,9%, bằng hoặc cao hơn 11 cuộc suy thoái gần đây", chuyên gia Bovino nhấn mạnh.

Vẫn có hàng triệu người lao động Mỹ thất nghiệp vì tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng việc làm

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đạt đỉnh 14,7% hồi tháng 4 vì ảnh hưởng của đại dịch. Trên thực tế, con số này vẫn chưa thể hiện hết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trên thị trường lao động Mỹ.

Theo CNN, nhiều người lo lắng về tình hình sức khỏe hoặc buộc phải ở nhà để trông trẻ hay chăm sóc người thân bị bệnh. Do đó, họ rời bỏ lực lượng lao động hoàn toàn. Những trường hợp này không được phản ánh trong tỷ lệ thất nghiệp.

Nếu cộng tất cả những người đã rời bỏ lực lượng lao động từ tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 10,3% vào tháng 9, theo báo cáo của S&P. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến không thể trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2024. Đến tháng 1, theo ông Beth Ann Bovino, chính quyền mới cần đưa ra giải pháp để cứu vãn tình hình.

Một thực tế phũ phàng là dù tổng thống Mỹ là ai vào ngày 20/1, số lượng công việc của Mỹ vẫn bị sụt giảm.

- Beth Ann Bovino

Giải pháp đầu tiên là gói kích thích kinh tế. Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa mắc kẹt trong những cuộc đàm phán về dự luật kích thích kinh tế bổ sung suốt nhiều tháng qua.

Cuối tuần trước, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết chỉ còn thời hạn 48 giờ để hai bên đưa ra thỏa thuận nếu muốn thông qua dự luật trước cuộc bầu cử. Điều đó đồng nghĩa rằng cho đến ngày 20/10, các nhà lập pháp hai đảng phải đi đến một thỏa thuận.

Theo báo cáo của S&P, khi hàng triệu người Mỹ vẫn cần sự giúp đỡ của chính phủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đối mặt với 30-35% nguy cơ một lần nữa rơi vào suy thoái.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD, bao gồm một đợt tăng trợ cấp thất nghiệp tạm thời khác. Trong khi đó, các lãnh đạo đảng Cộng hòa đề xuất gói 1.800 tỷ USD.

Ứng viên Dân chủ Joe Biden hứa hẹn đầu tư mạnh tay cho cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế và tạo việc làm. Ảnh: Reuters.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng. Theo báo cáo của S&P, cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Mỹ Donald Trump có những ý tưởng khá giống nhau về thương mại và cơ sở hạ tầng. Cả hai đều hứa hẹn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ đó tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế.

Theo đề xuất của ứng viên đảng Dân chủ, việc chi tiêu để đẩy mạnh cơ sở hạ tầng có thể giúp GDP tăng thêm 5.700 tỷ USD trong 10 năm và tạo khoảng 2,3 triệu việc làm đến năm 2024.

Thương mại và thuế

Cả Tổng thống Trump và cựu Phó tổng thống Biden đều cam kết sẽ giảm sự phụ thuộc kinh tế của Mỹ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các phương pháp của hai ứng viên có thể khác nhau.

Cách thức của ông Trump đối với Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục theo chiến dịch "Nước Mỹ trên hết". Trong khi đó, S&P dự đoán ông Biden sẽ quan tâm hơn đến việc xây dựng liên minh.

Theo CNN, các chính sách bảo hộ nhiều hơn có thể gây rủi ro cho sự phục hồi mong manh của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, các chính sách thương mại rõ ràng sẽ tốt hơn đối với những lĩnh vực nhạy cảm như ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Quan điểm của ông Trump và ông Biden về các chính sách thuế khác nhau khá nhiều. Chẳng hạn, thuế doanh nghiệp đã giảm từ 35% xuống còn 21% dưới thời chính quyền ông Trump. Ý tưởng đằng sau việc cắt giảm thuế doanh nghiệp là khuyến khích các công ty chuyển vốn về nước và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Trump đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, S&P chỉ ra rằng chính sách này không thực sự hiệu quả. Các công ty Mỹ sử dụng số tiền tiết kiệm được từ thuế để tăng cổ tức, lôi kéo cổ đông thay vì đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh và tuyển dụng thêm lao động Mỹ.

"Một tác dụng phụ không mong muốn khác của việc giảm thuế là nợ công tăng mạnh dưới thời Tổng thống Trump. Do đó, việc thúc đẩy nền kinh tế không đủ bù đắp cho các tác động từ việc giảm thuế", chuyên gia Bovino nhận định.

"Vào thời điểm thâm hụt ngân sách liên bang phình to vì các khoản chi tiêu cần thiết (để giúp nền kinh tế chống đỡ khủng hoảng), ông Biden muốn khôi phục mức thuế doanh nghiệp trở lại 28%", nhà báo Anneken Tappe viết.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-my-se-tiep-tuc-that-nghiep-du-ai-len-lam-tong-thong-post1143831.html