Nhiều người mắc viêm não do virus herpes điều trị muộn

BSCKII Trần Thị Kim Anh – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị liên tiếp nhiều ca viêm não do virus herpes.

Đặc biệt các ca này đều đến viện muộn nhưng đã được điều trị và hồi phục sức khỏe tốt, gần như không để lại di chứng.

Gần đây nhất là bệnh nhân nam 66 tuổi (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) tiền sử bị động kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường type II, xơ gan do rượu vào viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi đáp ứng kém và xuất hiện co giật toàn thân.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi đột quỵ não, tăng huyết áp, đái tháo đường type II chuyển cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Tiếp nhận bệnh nhân tại khoa Cấp cứu ngoại của bệnh viện, toàn thân bệnh nhân bị co giật, mỗi cơn có giật kéo dài 3 phút thì hết, sau đó khoảng 15 phút lại xuất hiện co giật lại. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành kiểm soát cơn co giật cho bệnh nhân, chụp CT sọ não. Bệnh nhân được chuyển vào khoa Bệnh nhiệt đới điều trị nội trú trong tình trạng hôn mê, tổn thương não ở mức độ (Glasgow 12-13 điểm), sốt không rõ nguyên nhân, đại tiểu tiện không tự chủ.

Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân bị viêm não do virus herpes. Ảnh: BVCC

Cùng với đó, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI sọ não, đặt sonde dạ dày, tiến hành chọc dịch não tủy, điện não đồ... Bệnh nhân được chẩn đoán viêm não herpes, động kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường type II, xơ gan do rượu, được điều trị Acyclovir 250 mg liều 10 mg/kg ngày 3 lần, chống viêm, chống phù não và kiểm soát tốt các bệnh nền.

Sau 3 ngày điều trị bệnh nhân dần tỉnh táo, rút sonde dạ dày và chọc lại dịch não tủy kết quả đã cải thiện rất nhiều. Sau 10 ngày điều trị bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và được xuất viện.

BSCKII Trần Thị Kim Anh chia sẻ, đây là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính gây hoại tử kèm theo xuất huyết nhu mô não. Căn nguyên gây bệnh là virus herpes simplex (HSV) thuộc họ Herpeviridae gồm 2 type: HSV -1 (>95% số ca bệnh) và HSV -2 (<5% số ca bệnh).

Bệnh biểu hiện bằng sốt cao, co giật, rối loạn ý thức, hôn mê, có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán sớm và điều trị bằng thuốc đặc hiệu trong 24-48h đầu, bệnh nhân thường có tiên lượng tốt.

Các con đường lây nhiễm virus herpes

Bệnh có đặc tính lây nhiễm một cách âm thầm, tiềm ẩn trong cơ thể người và sau đó phát triển thành bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng. Virus có thể tránh hệ thống miễn dịch bằng cách theo các dây thần kinh đến ẩn nấp ở các hạch thần kinh. Chẳng hạn virus herpes simplex type 1 (HVS 1) ẩn nấp ở hạch thần kinh sinh ba và hạch cạnh sống cổ, virus herpes simplex type 2 (HSV 2) ẩn nấp ở hạch cạnh sống cùng.

Khi gặp điều kiện thuận lợi, virus sẽ nhân lên, lan truyền và gây bệnh ở hệ thống da – niêm mạc hoặc ở hệ thống thần kinh trung ương, xâm nhập tế bào thần kinh gây nên rối loạn chức năng tế bào, xung huyết quanh mao mạch, xuất huyết và đáp ứng viêm lan tỏa ảnh hưởng đến chất xám và chất trắng, tuy nhiên, chất xám bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

Triệu chứng lâm sàng viêm não do virus herpes

Bệnh thường khởi phát đột ngột, cấp tính bằng sốt cao, đau đầu, sau đó xuất hiện co giật, thay đổi tính cách, mất trí nhớ và hôn mê. Các dấu hiệu thần kinh khu trú gợi ý tổn thương thùy thái dương và thùy trán não. Viêm não có thể đi kèm viêm màng não với các triệu chứng nôn, cứng gáy, dấu hiệu Kernig dương tính.

Dịch não tủy thường trong, protein tăng nhẹ (< 1 g/L); bạch cầu tăng ít (10-200 tế bào/mm3, hiếm khi > 500/mm3), đa số là lymphocyte. Trong giai đoạn sớm, bạch cầu trung tính có thể chiếm ưu thế. Có thể gặp hồng cầu trong dịch não tủy do tình trạng xuất huyết hoại tử nhu mô não. Dịch não tủy cũng có thể bình thường trong một số trường hợp.

Tổn thương nhu mô não có thể phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau khởi phát triệu chứng 2-4 ngày. Chụp cộng hưởng từ có độ nhạy cao hơn chụp cắt lớp vi tính và cần được chỉ định trong giai đoạn đầu của bệnh. Tổn thương gợi ý viêm não do HSV bao gồm giảm tín hiệu thì T1 và tăng tín hiệu thì T2 ở chất xám thùy thái dương trong và thùy trán, có thể có xuất huyết kèm theo; tổn thương thường không đối xứng, có thể lan đến thùy đảo và góc hồi hải mã. MRI bình thường trong khoảng 10% số bệnh nhân có HSV-PCR (+).

Điện não đồ có hoạt động sóng chậm không đặc hiệu trong 5-7 ngày đầu của bệnh, tiếp theo là sóng nhọn kịch phát hoặc phức hợp pha ưu thế ở vùng thái dương; có thể gặp biểu hiện phóng điện dạng động kinh bên từng đợt ở thùy thái dương, thường ở ngày thứ 2-14 của bệnh.

Chẩn đoán viêm não do virus herpes

Cần nghĩ tới viêm não do HSV ở bất cứ người bệnh có biểu hiện viêm não cấp tính nào, nhất là trong những trường hợp bệnh lẻ tẻ không mang tính chất mùa có các biểu hiện gợi ý tổn thương thùy thái dương hoặc thùy trán não ở một bên.

Chẩn đoán xác định viêm não do HSV bằng xét nghiệm PCR-HSV dịch não tủy.

Xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. PCR-HSV có thể âm tính giả khi xét nghiệm trong vòng 1-3 ngày sau khởi bệnh.

Tiến triển và biến chứng virus herpes

Người bệnh viêm não do HSV được điều trị sớm bằng acyclovir tĩnh mạch thường tiến triển tốt dần, sốt giảm dần và nhiệt độ trở về bình thường trong 3-5 ngày, ý thức cải thiện dần. Một số người bệnh vẫn có di chứng về thần kinh sau điều trị, nhất là người > 50 tuổi.

Di chứng bệnh để lại

Bao gồm động kinh, sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ. Ngược lại, người không được điều trị đặc hiệu bằng thuốc acyclovir hoặc điều trị muộn có tỷ lệ tử vong cao, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề nếu sống sót.

P.Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-mac-viem-nao-do-virus-herpes-dieu-tri-muon-169240506100148014.htm