Nhiều nghi vấn trong đấu giá tài sản thanh lý tại Tổng công ty Đông Bắc

Theo phản ánh của một số khách hàng có nhu cầu đấu giá mua tài sản thanh lý thiết bị mỏ của Tổng công ty Đông Bắc, đã có dấu hiệu thiếu minh bạch, “quân xanh, quân đỏ” khi đấu giá, có thể dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước nhiều tỷ đồng.

Cụ thể, vào đầu tháng 9 vừa qua, Tổng công ty Đông Bắc tổ chức thanh lý một số tài sản bao gồm hàng loạt xe cộ, máy móc, thiết bị cũ lên tới hàng trăm loại, giá trị thu hồi dự kiến hơn 6,5 tỷ đồng. Tổng công ty Đông Bắc đã ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản số 01/HĐ/ĐB-BĐGTS ngày 13/9/2016 với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh.Tuy nhiên, việc đấu giá thiếu công khai, minh bạch.

“Bởi vì, nếu đấu giá công khai, minh bạch thì không chỉ các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước mà ngay trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chúng tôi cũng có tới hàng trăm người tham gia mua, thu về cho Nhà nước tài sản lớn hơn” – ý kiến phản ánh cho biết.

Hợp đồng đấu giá tài sản

Sau khi ký hợp đồng, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Quảng Ninh đăng thông báo về việc bán đấu giá tài sản trên Đài phát thanh truyền hình thành phố Cẩm Phả vào 2 buổi ngày 14 và 18/9/2016, mỗi lần 1 phút. Ngay việc quảng cáo thông báo này đã thể hiện sự bất thường, không muốn công bố rộng rãi cuộc đấu giá khi không quảng cáo trên các đài báo trung ương và của Quảng Ninh mà chỉ quảng cáo trên một đài cấp huyện. Thời lượng quảng cáo cũng hết sức vô lý, nội dung dài tới 2 mặt giấy A4 mà quảng cáo chỉ trong 1 phút thì làm sao có thể đọc hết nội dung.

Theo xác minh của phóng viên tại Đài phát thanh truyền hình thành phố Cẩm Phả việc quảng cáo này chỉ là hình thức, trên thực tế kế hoạch phát sóng của đài hôm 14 và 18/9/2016 không phát nội dung trên. Sau đó, vào ngày 23/9/2016, một cuộc đấu giá diễn ra với vẻn vẹn chỉ có 4 công ty tham gia đấu giá thì có 3 công ty ở Cẩm Phả, chỉ có một công ty ở Hà Nội lại là công ty trúng đấu giá, đó là Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Thiên Nga ở Hà Nội trúng đấu giá với giá 6,63 tỷ đồng cho cả lô hàng, chỉ cao hơn so với giá đề ra là hơn 6,5 tỷ đồng. Như vậy cuộc đấu giá chỉ thu về so với kế hoạch có vài chục triệu đồng (nếu trừ đi phần chi phí đấu giá). Trong khi, trên thực tế, theo phản ánh, với một gói thầu giá trị như lô hàng trên, nếu công khai, minh bạch, có thể có tới hàng trăm đơn vị tham gia, sau đấu giá có thể thu về số tiền lớn hơn nhiều tỷ đồng.

Một dấu hiệu bất thường khác là đơn vị trúng đấu giá đã thừa nhận với phóng viên đến nay vẫn chưa chuyển tiền cho Tổng công ty Đông Bắc. Còn ba đơn vị còn lại thì tỏ ra lúng túng, gần như không biết thông tin gì về cuộc đấu giá khi phóng viên đề nghị làm việc, xác minh. Một doanh nghiệp xin vào đấu giá nhưng không được tham gia cho biết, khối tài sản hiện vẫn nằm ở Tổng công ty Đông Bắc và đơn vị nào muốn mua đều phải thông qua Tổng công ty Đông Bắc nhưng giá trị cao hơn so với ban đầu nhiều tỷ đồng.

Ngày 9/11 vừa qua, phóng viên đã liên lạc với đại diện Tổng công ty Đông Bắc đề nghị làm rõ nội dung phản ánh, một lãnh đạo Tổng công ty ghi nhận nội dung sự việc và cho biết sẽ báo cáo Tổng giám đốc để trả lời báo chí song đến nay chưa thấy hồi âm. Sau đó, chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Ngọc Tuyển, Tổng giám đốc công ty Đông Bắc để làm rõ sự việc nhưng chưa thấy ông Tuyển trả lời.

Báo điện tử Congluan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Hồng Quang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhieu-nghi-van-trong-dau-gia-tai-san-thanh-ly-tai-tong-cong-ty-dong-bac/