Nhiều ngành hàng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh

Mặc dù còn bị nhiều khó khăn bủa vây, nhưng thị trường được dự báo sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024 trên cơ sở nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh sản xuất kinh doanh.

Dấu hiệu tích cực

Năm 2023 được đánh giá là năm khó khăn chưa có tiền lệ của ngành Dệt may. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, với những dấu hiệu phục hồi tích cực của thị trường, ngành đặt mục tiêu năm 2024 xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Đáng chú ý, ngay từ đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Nga, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông… tăng đều, góp phần duy trì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, những khó khăn của thị trường vẫn đang tiếp diễn từ đầu năm 2024, hy vọng khả quan vào nửa cuối năm. Năm 2024, Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2023 cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, nhưng đây cũng là mục tiêu thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may đối diện nhiều khó khăn nhưng đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực cho năm 2024.

Ngành xuất khẩu gạo năm 2023 được đánh giá là năm thắng lợi khi xuất khẩu gạo đạt mức kỷ lục. Thống kê sơ bộ mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn, với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD, mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ có khả năng sẽ duy trì hạn chế xuất khẩu gạo trong năm nay. Trong khi đó, các quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines... đều có nhu cầu tăng lượng gạo nhập khẩu, với dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn. Mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 của cả nước dự kiến đạt 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023.

Riêng ngành Thủy sản, xu hướng phục hồi đã xuất hiện. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Năm 2024, ngành Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023, tuy nhiên so với năm đỉnh điểm 2022 vẫn giảm 13%...

Chuyển đổi để thích nghi với tình hình mới

Trước những yêu cầu ngày càng khắt khe và có nhiều thay đổi của thị trường, ông Vũ Đức Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, thích nghi với tình hình mới. Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng và có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số...

Cùng với đó, tập trung cho các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may cần tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, đưa ra giải pháp chiến lược cho các thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Để phát triển thương hiệu thì cần thời gian nhiều năm. Trong ngành công nghiệp thời trang, nhãn hàng nào tạo dựng được thương hiệu sẽ chủ động trong cuộc chơi. Vì vậy, ngành Dệt may Việt Nam mong muốn Chính phủ hỗ trợ để định hình được một số nhãn hiệu thời trang do Việt Nam làm chủ, tạo được sức hút với thị trường toàn cầu giống như Nike, Adidas... Hiện nay, Việt Nam đã có một số thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, An Phước... nhưng còn manh mún.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) đánh giá, năm 2024 được dự báo vẫn là năm đầy khó khăn, thách thức với ngành da giày. Cùng với đó, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày đang thay đổi nhanh chóng. Muốn tồn tại, tham gia vào chuỗi cung ứng, bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất phải tuân thủ những yêu cầu này. Bên cạnh đó, thách thức tới từ việc các chi phí đầu vào ngày càng gia tăng. Đây là những sức ép lớn đối với các doanh nghiệp.

Để tuân thủ các quy định, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp, củng cố năng lực nội tại, từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo kỹ năng cho người lao động và nắm bắt kịp thời các thông tin, để kịp thời có những kế hoạch cụ thể để ứng phó với tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2024, ngành Công Thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; duy trì cán cân thương mại xuất siêu (dự kiến xuất siêu 15 tỷ USD). Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-nganh-hang-dat-muc-tieu-tang-truong-manh-20240113194916896.htm