Nhiều lợi thế trong thị trường lao động khi sinh viên đã có thương hiệu cá nhân

Chiều ngày 28/3, tọa đàm 'Thiết kế truyền thông trong xây dựng thương hiệu' do báo Tiền Phong, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia phối hợp tổ chức đã để lại những dấu ấn tốt đẹp. Những minh chứng về lợi thế của sinh viên đã có thương hiệu cá nhân khi tham gia thị trường tuyển dụng nhận được sự quan tâm đặc biệt của gần 500 giảng viên và sinh viên nhà trường.

Diễn giả chính tại chương trình là những gương mặt quen thuộc với sinh viên các trường đại học: nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng Ban Sinh viên báo Tiền Phong, tác giả sách Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất; Ths. Vũ Anh Đức - Giám đốc Đào tạo Hệ thống Arena Multimedia và TS Lê Văn Sơn – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

PGS. TS Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - tặng hoa các diễn giả và đại diện các đơn vị tổ chức.

Chương trình có sự tham dự của PGS. TS Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS Nguyễn Phi Long – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Đào tạo; TS Lại Thị Hải Bình – Trưởng khoa Truyền thông Đa phương tiện (TTĐPT); TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng khoa TTĐPT; ; anh Lê Hồng Hải – Hiệu trưởng Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia; anh Trần Nguyễn Lâm Thành – Giám đốc Marketing Arena Multimedia; cùng các giảng viên và gần 500 sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

PGS. TS Trần Quang Tiến: “Thương hiệu là điều mà mọi tổ chức, cá nhân đều mong muốn xây dựng thành công.”

Phát biểu tại chương trình, PGS. TS Trần Quang Tiến gửi lời cảm ơn tới báo Tiền Phong và Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia đã tổ chức một buổi tọa đàm ý nghĩa về vấn đề mà giảng viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt nam đặc biệt quan tâm.

PGS. TS Trần Quang Tiến chia sẻ: “Thương hiệu là điều mà mọi tổ chức, cá nhân đều mong muốn xây dựng thành công. Muốn giữ được thương hiệu và phát triển thương hiệu cần có sự nỗ lực, cố gắng cải thiện không ngừng.

Với Học viện Phụ nữ Việt Nam, thương hiệu của chúng tôi đã từng bước khẳng định, đạt được vị thế cao cả trong và ngoài nước. Để học viện có một bước tiến cao hơn nữa, bên cạnh việc tự nỗ lực, chúng ta cần tìm cách xây dựng thương hiệu đó theo đúng hướng, để hình ảnh để giá trị của mình được lan tỏa rộng rãi tới cộng đồng.”

PGS. TS Trần Quang Tiến nhấn mạnh thương hiệu cá nhân của giảng viên, của sinh viên cũng chính là mảnh ghép quan trọng để tạo nên thương hiệu của học viện. Việc sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân sớm không chỉ phục vụ cho chính cuộc sống các em mà cũng góp phần quảng bá thương hiệu của nhà trường.

Ca sĩ Hồ Văn Kãnh – Quán quân cuộc thi Sao Mai khu vực miền Trung làm “xao xuyến” hội trường với chất giọng ngọt ngào.

Xuyên suốt buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, ThS. Vũ Anh Đức đã đưa ra các khái niệm và phân tích bản chất của việc xây dựng thương hiệu cá nhân; chỉ ra vai trò và phân tích lợi thế của sinh viên khi đã có thương hiệu cá nhân đối với các nhà tuyển dụng đồng thời giải đáp các thắc mắc của các giảng viên, sinh viên về việc tìm hiểu, khám phá bản thân, chọn kênh truyền thông phù hợp.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: “Định vị bản thân là bước đầu tiên trong quy trình xây dựng thương hiệu cá nhân và cũng là bước quan trọng nhất bởi nếu lựa chọn sai thì quá trình phía sau làm gì cũng hỏng.”

TS Lê Văn Sơn đã có những liên hệ thực tế thú vị, bám sát với sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cả ba diễn giả đều truyền đi thông điệp “Sinh viên cần xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm để có những lợi thế, mở rộng cơ hội khi tham gia thị trường việc làm.”

TS Lê Văn Sơn – Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam: “Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là chúng ta xây xong và để đó mà là một quá trình lâu dài theo ta suốt cuộc đời.”

Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên?

Với kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với nhiều nhà tuyển dụng, Ths Vũ Anh Đức phân tích những yếu tố mà nhà tuyển dụng cần ở sinh viên ngành đồ họa: “Trong ngành thiết kế, đồ họa, đối với những doanh nghiệp phát triển bền vững thì họ không chú trọng vào yếu tố tuyển người sử dụng công cụ bởi thực tế mỗi công ty ở Nhật đều có công cụ riêng, bí mật của họ. Nhân sự vào công ty sẽ được đào tạo về phần sử dụng công cụ. Thẩm mỹ chính là yếu tố quyết định đầu tiên và cũng là yếu tố rất quan trọng bởi nó liên quan tới tư duy mà tư duy không phải ngày một ngày hai mà có được.

Yêu cầu thứ hai đó là sự thích nghi. Cụ thể là thích nghi trong việc học tập phần mềm, họ không tuyển dụng về phần mềm nhưng họ yêu cầu phải biết sử dụng phần mềm. Bởi vì qua đó, họ đánh giá là khả năng sử dụng phần mềm của các bạn. Các bạn có nền tảng về đồ họa, phần mềm rồi thì khả năng thích ứng rất nhanh. Yêu cầu thứ ba là có khả năng chịu được áp lực cao, đặc thù của ngành này đòi hỏi các bạn phải chịu được cường độ công việc cao, chạy deadline liên tục.”

Giảng viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam sôi nổi đặt câu hỏi cùng diễn giả.

Chia sẻ về lợi thế của sinh viên khi có thương hiệu, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh phân tích dưới góc độ nhân sự của một tòa soạn: “Chúng tôi thích những bạn có một chuyên môn đặc biệt. Vì vậy nên nếu các bạn tìm ra được USP của mình trong công việc thì mọi người sẽ dễ dàng nhận ra vị trí công việc phù hợp. Đó chính là lợi thế gia tăng cơ hội việc làm của các bạn.”

“Tiếp theo, có một xu hướng là các em phải biết làm nhiều việc cùng một lúc. Giỏi chuyên môn không đồng nghĩa với việc những việc khác không thể làm được. Khi trình độ ngang nhau, thứ quyết định để lựa chọn nhân sự chính là thái độ. Thái độ thể hiện ở chỗ các em có trách nhiệm với công việc, tinh thần học hỏi liên tục, dám nghĩ dám làm. Đây chính là yếu tố được nhiều nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.”

Khi sinh viên xây dựng thành công cho thương hiệu cá nhân, sinh viên đó sẽ là điểm sáng, nổi bật giữa hàng ngàn sinh viên bởi bộ kỹ năng rõ ràng, thành thạo và chuyên nghiệp do đã xác định được USP và phát triển đúng hướng. Sinh viên có có lợi thế trong thị trường lao động, tăng khả năng có việc làm ngay khi ra trường, phát triển vượt trội vì biết lên kế hoạch xây dựng từ sớm.

Đại diện Arena Multimedia và báo Tiền Phong tặng quà cho các sinh viên may mắn.

Diễn giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh ký tặng cuốn Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất cho sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.

TS. Lại Thị Hải Bình - Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện cho biết: Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện từ năm 2017. Hiện nay, khoa đang đào tạo cho hơn 1.000 sinh viên với 3 chuyên ngành sâu: Thiết kế đa phương tiện, Báo chí đa phương tiện, Truyền thông doanh nghiệp. Nhận thức việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho sinh viên rất quan trọng, Khoa Truyền thông đa phương tiện thường xuyên mời các chuyên gia, diễn giả đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế và hướng dẫn sinh viên xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi đang học tại Học viện. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên của khoa tiếp cận gần hơn với các cơ hội thực tập thực tế, làm việc trong các tổ chức truyền thông. Năm 2024 ngành Truyền thông đa phương tiện tuyển 150 chỉ tiêu.

Lê Vượng - Tú Chân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nhieu-loi-the-trong-thi-truong-lao-dong-khi-sinh-vien-da-co-thuong-hieu-ca-nhan-post1624373.tpo