Nhiều lao động xuất khẩu chưa được hưởng các chính sách của Nhà nước

Theo bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, hiện tại hầu hết các chính sách gần như chưa thực hiện, ngoại trừ chính sách hỗ trợ vay vốn cho lao động thuộc diện hộ nghèo.

Đó là nội dung được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với UBND huyện Đô Lương chiều 6/9 theo chương trình giám sát việc thực hiện một số chính sách xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Xác định xuất khẩu lao động là biện pháp xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững nhất, những năm qua, huyện Đô Lương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác này. Kết quả, năm 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn huyện có 2.708 lao động làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Ngoài ra, hiện tại có khoảng hơn 420 người đi lao động tự do ở nước ngoài, chủ yếu ở Lào, Trung Quốc, Nga; 167 lao động hết hạn lao động và đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện trong gần 3 năm trở lại đây đang giảm dần và không đạt kế hoạch đề ra trong từng năm. Đặc biệt, trong tổng số 2.708 lao động đi xuất khẩu chỉ có 55 lao động thuộc hộ nghèo. Điều này ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói, giảm nghèo thông qua xuất khẩu lao động mà huyện đặt ra.

Mặc dù có khá nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động đi xuất khẩu thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng thu hồi đất do Trung ương và HĐND tỉnh ban hành; nhưng theo bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện tại hầu hết các chính sách gần như chưa thực hiện ngoại trừ chính sách hỗ trợ vay vốn cho lao động thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, số lượng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ vay vốn cũng khá khiêm tốn, chỉ có 34 lao động từ năm 2015 đến nay.

Theo lý giải của bà Quang, do lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính thống trên địa bàn ít, trong khi theo quy định đối tượng hộ nghèo đi lao động tự do không được hưởng chính sách này.

Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Tại cuộc làm việc, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện; vai trò của các doanh nghiệp làm xuất khẩu lao động vào địa bàn; chênh lệnh thu nhập giữa lao động đi theo con đường chính thống và tự do; những khó khăn, bất cập và kiến nghị đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Thay mặt đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị huyện tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các văn bản và các chính sách liên quan đến xuất khẩu lao động đến các đối tượng để biết và thực hiện. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước; định hướng cho người lao động xuất khẩu theo con đường chính ngạch.

Bà Lan cũng nhấn mạnh yêu cầu huyện có giải pháp vận động các lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước, đảm bảo cho các lao động địa phương có cơ hội sang làm việc ở các thị trường này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động đối với các doanh nghiệp./.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/thoi-su-chinh-tri/201709/nhieu-lao-dong-xuat-khau-chua-duoc-huong-cac-chinh-sach-cua-nha-nuoc-2841224/