Nhiều lao động tìm 'bến đỗ' mới sau Tết

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều người lao động quyết định nghỉ việc, tìm hướng đi mới khi đã nhận thưởng Tết ở công ty cũ.

Sau Tết, nhiều người lao động quyết định nghỉ việc và tìm “bến đỗ” mới. Ảnh minh họa

Chính vì vậy, thị trường lao động khoảng thời gian này đang trở nên sôi động, nhiều người ồ ạt nộp đơn xin việc để hướng về “bến đỗ” mới.

Người đi kẻ đến

Dù đã có nhiều thông tin dự báo và cảnh báo của truyền thông đưa ra về thực trạng thị trường việc làm trên toàn thế giới đang rơi vào khúc cua khó khăn, đánh dấu nhiều cuộc sa thải diện rộng, nhưng vấn đề người lao động nghỉ việc sau Tết vẫn trở thành trào lưu, thậm chí là hiện tượng lặp lại hằng năm.

Anh Nguyễn Quốc Anh (32 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) làm việc tại một công ty quảng cáo và truyền thông cho biết: “Tôi làm ở bộ phận tuyển dụng nhân sự của công ty. Hàng năm, có 2 đợt số lượng hồ sơ xin việc đặc biệt tăng cao, một là thời điểm sau khi các sinh viên tốt nghiệp đại học, hai là sau Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán thường sẽ rơi vào tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm, với các doanh nghiệp thì đây là thời điểm kết thúc năm kinh doanh, bắt đầu năm làm việc mới. Chính vì vậy nên cả từ phía doanh nghiệp lẫn người lao động đều phát sinh nhu cầu việc làm tại thời điểm này”.

Về phía doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng cần tìm lao động để đáp ứng nhu cầu cho kế hoạch kinh doanh trong năm mới, đồng thời sàng lọc nhân sự hiện có dựa trên kết quả đánh giá hiệu quả công việc cả năm. Còn đối với người lao động, họ sẽ có nhiều cơ hội trong bối cảnh thị trường lao động có nhu cầu tăng cao. Từ đó người lao động có thể tìm kiếm công việc phù hợp nhằm phát triển năng lực, nâng cao tài chính cá nhân.

Chị Vũ Thị Ngọc Anh (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang làm công việc hành chính - nhân sự tại một công ty công nghệ cho biết, chị vừa mới báo cáo với cấp trên đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc vào tuần đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Theo chị Ngọc Anh chia sẻ thì trong quá trình làm việc, chị cảm thấy bản thân chưa thật sự phù hợp với văn hóa công ty. Đã nhiều lần có ý định chuyển công việc khác, tuy nhiên tiếc công sức làm việc cả năm trời nên chị quyết định ở lại xử lý nốt những công việc còn dang dở để được nhận lương, thưởng Tết. Tuy đã nộp đơn xin nghỉ việc nhưng chị Ngọc Anh vẫn ở lại làm việc thêm 1 tháng nữa đợi công ty tìm người mới và bàn giao công việc.

Hiện tại, chị Anh đang ráo riết tìm công việc mới. Tuy nhiên, nữ nhân viên văn phòng này cũng không quá vội vàng mà ưu tiên tìm hiểu kỹ thông tin cũng như văn hóa của các công ty trước khi quyết định nộp đơn xin việc. Dù biết giai đoạn hiện tại xin việc sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh, song chị Anh không hề e ngại.

“Đã không phù hợp với môi trường làm việc thì sẽ rất khó để gắn bó, luôn sẵn tâm lý trước sau gì cũng nghỉ nên hiệu suất lao động cũng không thể cao nhất. Tôi đã chuẩn bị cho mình một khoản tiết kiệm nhỏ dự phòng lúc “nhảy việc” nên áp lực cũng không quá nặng nề. Riêng vấn đề cạnh tranh thì tôi nghĩ rằng thời điểm nào cũng có, nhất là đối với những công ty có môi trường làm việc và đãi ngộ tốt thì mức độ cạnh tranh càng nhiều. Tôi coi như đây là dịp để tôi thử thách và đánh giá năng lực của bản thân”, chị Ngọc Anh nói.

Ảnh minh họa ITN.

Những lưu ý khi “nhảy việc”

Theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên cần đáp ứng yêu cầu về thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động biết. Cụ thể, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, cần phải báo trước ít nhất 45 ngày. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ 12 - 36 tháng thì báo trước cho người sử dụng lao động là ít nhất 30 ngày. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng chỉ cần báo trước ít nhất 3 ngày.

Về hình thức báo trước, hiện nay các quy định pháp luật không có nội dung chi tiết, cụ thể. Tuy vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như tránh những vấn đề rắc rối không đáng có, người lao động nên có bằng chứng để chứng minh việc mình đã báo trước cho người sử dụng lao động về quyết định nghỉ việc (gửi email, viết đơn xin nghỉ việc có xác nhận của người quản lý bộ phận...).

Bên cạnh đó, một trong những quyền của người lao động quy định tại Điều 5 của Bộ luật Lao động năm 2019 là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra tại Điều 34 của Bộ luật Lao động năm 2019 cũng ghi nhận trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc mà không thông báo cho phía công ty, nghĩa là người lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định pháp luật. Theo Điều 40 của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ phải bồi thường cho công ty những khoản tiền bao gồm: Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, tiền lương của những ngày không báo trước. Ngoài ra, trong trường hợp người lao động được đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động thì phải hoàn trả lại khoản tiền đào tạo đó.

Như vậy, người lao động khi quyết định “nhảy việc” sau Tết, tức là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần hết sức lưu ý việc tìm hiểu và thực hiện đầy đủ các quy định báo trước cho phía công ty, doanh nghiệp đúng theo quy định. Khi đó, dù công ty có xác nhận đồng ý hay không thì người lao động vẫn được nghỉ việc đồng thời được hưởng đầy đủ các quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhieu-lao-dong-tim-ben-do-moi-sau-tet-post672671.html