Nhiều khó khăn trong nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' thủy sản. Bài 1: Bất cập từ cảng cá, bến cá vùng bãi ngang, bến cá tư nhân

Đợt làm việc với Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 vào tháng 10/2023 là cơ hội để Việt Nam gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' đối với xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc quản lý cảng cá, bến cá vùng bãi ngang, bến cá tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động tàu cá và ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp chống IUU.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Cửa Việt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống IUU cho ngư dân - Ảnh: H.A

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay có khá nhiều tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ (chủ yếu là tàu cá ngoại tỉnh) chỉ cập cảng chỉ định khi chủ tàu có nhu cầu xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác phục vụ xuất khẩu, hoặc để neo đậu, tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới. Nhiều tàu cá chọn cảng cá, bến cá tư nhân để bán sản phẩm, nạp nhiên liệu, bổ sung nhu yếu phẩm để vươn khơi.

Ngoài ra, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, dù Luật Thủy sản 2017 bắt buộc thuyền trưởng phải tuân thủ các thủ tục khi cập cảng chỉ định, nhưng nhiều trường hợp vẫn tìm cách né tránh với lý do nếu cập cảng chỉ định, thuyền trưởng phải thông báo với ban quản lý cảng cá trước 1 giờ để kiểm tra thiết bị giám sát hành trình và nhiều loại giấy tờ, thủ tục khác.

Vậy nên, nếu không cần xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác, thì các chủ tàu đưa tàu về bến cá tư nhân để việc thu mua hải sản thuận lợi hơn.

Luật Thủy sản năm 2017 không bắt buộc tàu có chiều dài dưới 15m cập cảng chỉ định, nên hầu hết số tàu cá này đều cập bến cá tư nhân, bến cá vùng bãi ngang để bán sản phẩm, nạp nhiên liệu.

Đi dọc khu vực bãi ngang của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, chúng tôi không khó để thấy nhiều bến cá có hoạt động bốc dỡ, thu mua thủy sản khai thác từ tàu cá có chiều dài dưới 15 m.

Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý hoạt động tàu cá, mà còn khiến sản lượng thủy sản khai thác qua các cảng được kiểm tra, giám sát quá thấp, dẫn đến việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc theo quy định của IUU chưa đảm bảo.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá tỉnh Lê Văn Sơn cho biết, cơ sở hạ tầng tại các cảng cá chỉ định của tỉnh đang xuống cấp và gặp nhiều khó khăn.

Như tại Cảng cá Cửa Việt, tiến độ thi công nâng cấp, sửa chữa cảng cá đang diễn ra chậm. Các hạng mục công trình dở dang chưa hoàn thành gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cảng cá. Tàu cá của ngư dân gặp khó khăn trong việc ra, vào cảng.

Thời gian chờ cập cảng kéo dài dẫn đến hư hỏng hải sản đánh bắt được. Tại Cảng cá Cửa Tùng được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2008, đến nay do ảnh hưởng của thời tiết, bồi lắng bất thường của cát biển, nên luồng lạch tại khu vực cảng cá bị biến đổi, bồi lấp nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn cho ngư dân trong việc ra khơi khai thác thủy sản cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

Đây cũng là nguyên nhân gây trở ngại lớn đến công tác chống IUU của các cảng cá chỉ định. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tại 2 cảng cá chỉ định là Cảng cá Cửa Việt, Cảng cá Cửa Tùng chỉ có khoảng 1.541 lượt tàu (chủ yếu là tàu cá có chiều dài 15 m trở lên) cập cảng bốc dỡ sản lượng hải sản hơn 1.000 tấn/17.794 tấn thủy sản khai thác của toàn tỉnh. Còn các tàu cá có chiều dài dưới 15 m hầu như không có tàu cá nào cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hữu Vinh cho biết, qua công tác thanh tra của lực lượng thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT trong thời gian qua đã phát hiện một số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chưa chấp hành việc cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản khai thác. Hầu hết tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m chưa chấp hành nghiêm túc việc ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản và cập cảng để bốc dỡ thủy sản khai thác.

Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Văn bản số 785/SNN - TS về việc phối hợp rà soát, thống kê các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác (cảng cá, bến cá…) trên địa bàn tỉnh và đề xuất biện pháp quản lý.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ thực hiện việc rà soát, cập nhật và bổ sung danh sách bến cá vùng bãi ngang, bến cá tư nhân có hoạt động bốc dỡ, thu mua thủy sản từ khai thác; đề xuất biện pháp quản lý các điểm tàu cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác nói trên phù hợp với thực tế của địa phương.

Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản lượng thủy sản theo quy định.

Qua công tác rà soát, cập nhật và bổ sung danh sách bến cá vùng bãi ngang, bến cá tư nhân có hoạt động bốc dỡ, thu mua thủy sản từ khai thác của các đơn vị, địa phương thì trên địa bàn tỉnh hiện có 2 cảng cá chỉ định là Cảng cá Cửa Việt, Cảng cá Cửa Tùng; 1 cảng cá loại 3, 1 cảng cá loại 2 ở huyện đảo Cồn Cỏ và 39 điểm bốc dỡ thủy sản khai thác từ tàu cá ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng.

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có Văn bản số 1454/ SNN - TS, ngày 12/6/2023 về tăng cường quản lý việc ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản và giám sát sản lượng thủy sản gửi huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ với các nội dung như đề nghị các huyện ven biển thông báo, phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu các chủ tàu cá, thuyền trưởng ở vùng biển cửa lạch đưa tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên vào cảng cá để bốc dỡ thủy sản khai thác.

Riêng đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản khai thác; thuyền trưởng phải thông báo ít nhất trước 1 giờ khi tàu cá vào cập và rời cảng cho tổ chức quản lý cảng cá; sau khi bố trí tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản, tổ chức quản lý cảng cá cử cán bộ giám sát sản lượng, thành phần loại thủy sản bốc dỡ qua cảng đúng quy định.

Yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên ở vùng biển cửa lạch ghi, nộp nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 và Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT; chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn ven biển thành lập các đoàn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật Thủy sản 2017…

Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã chỉ đạo lực lượng thanh tra, kiểm ngư của ngành thực hiện các chuyến tuần tra bằng tàu kiểm ngư tại vùng bờ và vùng lộng thuộc vùng biển tỉnh Quảng Trị để xử phạt các lỗi vi phạm như tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không cập cảng có tên trong danh sách cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản; thuyền viên trên tàu cá không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; không đăng ký tàu cá hoặc không đăng ký lại tàu cá theo quy định; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ trang thiết bị an toàn tàu cá; ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24 m theo quy định…

Hải An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/nhieu-kho-khan-trong-no-luc-go-the-vang-thuy-san-bai-1-bat-cap-tu-cang-ca-ben-ca-vung-bai-ngang-ben-ca-tu-nhan/178415.htm