Nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm, các địa phương tăng cường kiểm soát

Trước nhiều vụ việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học thời gian qua, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho học sinh khi tổ chức bữa ăn bán trú, nhiều địa phương đã chỉ đạo các trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Sau sự việc hơn 600 học sinh bị ngộ độc thực phẩm khi ăn bán trú tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa), một học sinh tử vong, đến nay thêm một vụ việc nữa tại một trường tiểu học ở Tiền Giang khiến cho phụ huynh và học sinh lo lắng.

Như Suckhoedoisong.vn đã đưa tin, khoảng 15 giờ ngày 25/11, sau khi ăn nhẹ và uống sữa, 16 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Trãi (P.7, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… Ngay lập tức, các em được nhà trường đưa đến bệnh viện cấp cứu. Các cơ quan chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã tiến hành lấy mẫu sữa để kiểm nghiệm, tìm ra nguyên nhân của vụ việc này.

Cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt

Tại TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện tại, với hơn 5.000 cơ sở giáo dục, toàn thành phố có 1.834 bếp ăn tập thể và khoảng 487 trường sử dụng suất ăn công nghiệp.

Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Ban Quản lý ATTP thành phố kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể. Đồng thời chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát việc chế biến, giá thành bữa ăn trong nhà trường. Sắp tới, hai đơn vị sẽ phối hợp lập đoàn giám sát các trường học, nhất là khối tiểu học, mầm non về việc đảm bảo ATTP.

Nhiều tỉnh, thành đã chỉ đạo các trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Nhiều tỉnh, thành đã chỉ đạo các trường học tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Thời gian vừa qua, một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học, cơ sở giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng, ngành chức năng tại TP. Hà Nội đã tăng cường công tác đảm bảo ATTP ở cơ sở giáo dục. Hiện Hà Nội là 1 trong 9 tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp cơ sở. Thời gian tới, Hà Nội dự kiến triển khai hoạt động diễn tập điều tra về ngộ độc và truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT lập các đoàn kiểm tra bếp ăn tập thể các trường mầm non, tiểu học có tổ chức bán trú, đặc biệt là trường tư thục và quốc tế. Đối với các trường hợp bếp ăn không đảm bảo ATTP, Sở GD&ĐT xử lý, đình chỉ hoạt động.

Tại Nghệ An, đầu tháng 11, Sở Y tế Nghệ An cũng có báo cáo kết quả giám sát bếp ăn bán trú trường học tại các địa phương. Qua đó cho thấy, trong 44 bếp ăn bán trú trường học được giám sát thì có 22/44 cơ sở đạt (chiếm tỉ lệ 50%). 22 cơ sở còn lại đang tồn tại một số điều kiện chưa đảm bảo ATTP. Sở GD&ĐT Nghệ An mới đây cũng có văn bản về việc tăng cường đảm bảo ATTP trong trường học trên địa bàn.

Tại Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có công văn về việc tăng cường đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường học. Theo đó, để tăng cường công tác đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học trên địa bàn, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh ATTP tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm ATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Chỉ đạo các trường học trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi, hạn chế tối đa sử dụng các loại rau, củ sống và các món ăn chế biến theo hình thức gỏi. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP tại các trường học và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học; giám sát chặt chẽ chất lượng nước uống trực tiếp cho học sinh và các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc phân phát trong các chương trình giới thiệu sản phẩm, quảng cáo, bán, quà tặng do các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực nhà trường. Trường hợp phát hiện hay nghi ngờ sản phẩm không đảm bảo an toàn, yêu cầu tạm dừng sử dụng sản phẩm và phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác minh và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật…

Kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm khi tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh

Về phía Bộ GD&ĐT, sau sự việc ngộ độc thực phẩm ở Khánh Hòa vừa qua, nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, ATTP trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở GD&ĐT, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh, ATTP; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm vệ sinh ATTP, phòng, chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Các địa phương cần nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không bảo đảm đầy đủ các quy định về ATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục - y tế, huy động sự tham gia của ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ATTP, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-hoc-sinh-bi-ngo-doc-thuc-pham-cac-dia-phuong-tang-cuong-kiem-soat-169221127101019326.htm