Nhiều hoạt động mới tại lễ hội khai ấn đền Trần Nam Định năm 2024

Lễ hội khai ấn đền Trần xuân Giáp Thìn 2024 tại Nam Định sẽ diễn ra từ ngày 20-25/2/2024 với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc. Ban tổ chức dự kiến phát ấn cho nhân dân và du khách từ 5h sáng 24/2.

Chiều 26/1/2024, UBND TP Nam Định, tỉnh Nam Định họp báo thông tin về lễ hội khai ấn đền Trần đầu xuân Giáp Thìn 2024.

Thông tin tới báo chí, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý khu di tích đền Trần - chùa Tháp cho biết, lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động mới so với những năm trước như: Triển lãm sinh vật cảnh, các trò chơi truyền thống dân gian, triển lãm diều sáo, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh, các hoạt động văn hóa văn nghệ như hát xẩm, hát văn, múa rối nước...

"Ban tổ chức dự kiến phát hành hơn 30 vạn ấn bản đến nhân dân và du khách thập phương", ông Bình nói.

Lễ khai ấn đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng Âm lịch hằng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định.

Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2024 với nhiều hoạt động nghi lễ đặc sắc như lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 tháng Giêng (20/2/2024); Lễ rước nước, tế cá ngày 12 tháng Giêng (21/2/2024).

Từ ngày 14 tháng Giêng (23/2/2024), du khách thập phương và nhân dân vào lễ đầu năm tại đền Trần.

Từ 21h-21h30, du khách và người không có nhiệm vụ sẽ di chuyển ra bên ngoài khuôn viên đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn.

Từ 22h15-22h40, UBND TP Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại đền Thiên Trường.

Trong thời gian làm lễ khai ấn, Ban tổ chức đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống. Từ 5h ngày 15 tháng Giêng (24/2/2024), sẽ tổ chức phát Ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Ngày 16 tháng Giêng (25/2/2024) tiếp tục phát ấn cho nhân dân và du khách tại các nhà Giải Vũ từ 7h hằng ngày.

Để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đảm bảo an ninh trật tự, Ban tổ chức lễ hội phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường: Lộc Vượng, Lộc Hạ, Thống Nhất.

Ban quản lý khu di tích có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với 3 phường và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị, quản lý và tổ chức lễ hội; Sắp xếp ổn định các ki-ốt; Không để người hành khất, hát rong, người bán hàng trái phép vào khu vực lễ hội và khu vực trước cổng đền.

UBND phường Lộc Vượng chỉ đạo Hội Người cao tuổi, nhà đền tổ chức thực hiện các nghi lễ rước, nghi lễ Khai Ấn theo tục lệ truyền thống; Có kế hoạch tổ chức trông coi phương tiện giao thông tại các bãi xe đảm bảo theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan nghiêm cấm các hoạt động cờ bạc dưới mọi hình thức tại khu vực lễ hội.

Ngăn chặn việc mua, bán ấn, lưu hành ấn không do nhà đền phát hành. Phòng Y tế, Trung tâm y tế thành phố xây dựng phương án tuyên truyền, phòng ngừa các dịch bệnh nơi đông người; tổ chức kiểm tra việc đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại di tích.

Bố trí 2 xe cứu thương, đảm bảo trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết và cán bộ, nhân viên y tế trực tại lễ hội, đặc biệt trong hai ngày 23-24/2/2024 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng Âm lịch). Điện lực thành phố đảm bảo an toàn về điện trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Lễ khai ấn đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng Âm lịch hằng năm tại đền Trần, phường Lộc Vượng, TP Nam Định là một tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc Ấn của đền Trần "Tích Phúc Vô Cương", mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhieu-hoat-dong-moi-tai-le-hoi-khai-an-den-tran-nam-dinh-nam-2024-192240126172650741.htm