Nhiều gương mặt nhạy cảm tham gia 'Oscar Hoa ngữ' 2016

Danh sách đề cử giải thưởng điện ảnh Kim Mã năm nay có rất nhiều bộ phim hoặc diễn viên đang nhận lệnh cấm xuất hiện tại Trung Quốc đại lục.

Tối 1/10, ban tổ chức giải thưởng Kim Mã 2016 công bố danh sách tranh tài. Sự kiện thường niên diễn ra tại Đài Loan luôn được giới truyền thông quốc tế coi là Oscar đối với các nền điện ảnh Hoa ngữ và năm nay đã bước sang tuổi 53.

Tuy nhiên, đêm trao giải Kim Mã 2016 khó lòng được phát sóng tại Trung Quốc, bởi danh sách đề cử có mặt rất nhiều tác phẩm hoặc gương mặt diễn viên đang bị cấm xuất hiện dưới mọi hình thức tại quốc gia tỷ dân.

Godspeed nhận 8 đề cử tại Kim Mã năm nay, nhưng lại có sự tham gia của Đới Lập Nhẫn - gương mặt bị Trung Quốc tẩy chay. Ảnh: Outnow.

Dẫn đầu danh sách là bộ phim Godspeed (Nhất lộ thuận phong) với 8 đề cử. Tác phẩm thuộc thể loại hài đen của điện ảnh Đài Loan do đạo diễn Chung Mạnh Hoành thực hiện, xoay quanh chuyến đi của một tay buôn ma túy trên chiếc xe taxi định mệnh.

Tuy nhiên, một trong hai diễn viên chính của Godspeed là Đới Lập Nhẫn, tài tử lên tiếng ủng hộ Đài Loan tách khỏi Trung Quốc và từng bị người dân đại lục tẩy chay đến nỗi khiến Triệu Vy phải cắt anh khỏi dự án No Other Love hồi mùa hè.

Nhận đề cử ở hạng mục Phim truyện xuất sắc, Godspeed phải đối mặt với bốn tác phẩm khác là Trivisa (Tam đại tặc vương) của nhà sản xuất Đỗ Kỳ Phong, I Am Not Madame Bovary (Tôi không phải Phan Kim Liên) của ngôi sao Phạm Băng Băng, Road to Mandalay (Tái kiến Ngõa Thành) của đạo diễn Triệu Đức Dận, và The Summer is Gone (Bát nguyệt).

The Summer is Gone có mặt tại hạng mục Phim truyện xuất sắc của Kim Mã.Nhưng đây lại là tác phẩm của nhà làm phim từng gặp rắc rối với chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Outnow.

Rắc rối tiếp tục nảy sinh khi tác giả của The Summer is Gone là Pema Tseden, đạo diễn người Tân Cương từng bị chính quyền Trung Quốc thẩm vấn qua đêm hồi mùa hè và sau đó phải nhập viện.

Hạng mục Đạo diễn xuất sắc có tên của Chung Mạnh Hoành, Phùng Tiểu Cương, Triệu Đức Dận với các tác phẩm kể trên. Hai ứng viên còn lại là Đỗ Kỳ Phong với Three (Tam nhân hành) và Tằng Quốc Tường với Soul Mate (Thất nguyệt và An Sinh).

Nếu tính số lượng đề cử, Soul Mate chỉ kém Godspeed đúng một hạng mục. Bộ phim lấy bối cảnh chủ yếu tại Trung Quốc đại lục, xoay quanh số phận hai người phụ nữ trẻ, và giúp hai gương mặt Mã Tư Thuần và Châu Đông Vũ đều có mặt ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc.

Road to Mandalay cũng là một tác phẩm không được chào đón tại Trung Quốc do có sự góp mặt của Kha Chấn Đông trong vai chính. Ảnh: Outnow.

Có 6 đề cử là Soul on a String (Bì thằng nghiệp đích hồn) của đạo diễn Trương Dương, với câu chuyện về một tên sát thủ ở vùng Tân Cương. Road to Mandalay nhận 5 đề cử với nội dung là chuyến phiêu lưu của hai người Myanmar nhập cư trái phép đến Thái Lan.

Tuy được giới phê bình đánh giá cao, nhưng tác phẩm lại không được Trung Quốc chào đón bởi có sự góp mặt của Kha Chấn Đông - người bị bắt cùng Phùng Tổ Danh vì tội danh tàng trữ ma túy hồi 2014 và sau đó bị chính quyền đại lục “cạch mặt”.

Phim mới của Phạm Băng Băng và đạo diễn Phùng Tiểu Cương vừa được Liên hoan phim San Sebastian vinh danh, nhưng dường như cũng đang gặp rắc rối với chính quyền Trung Quốc. Ảnh: Outnow.

I Am Not Madame Bovary là tác phẩm mới giúp Phạm Băng Băng được vinh danh tại Liên hoan phim San Sebastian ở Tây Ban Nha. Nhận tổng cộng 5 đề cử của Kim Mã 2016, song, bộ phim mới của đạo diễn Phùng Tiều Cương mới bị đẩy lui ngày khởi chiếu tại Trung Quốc.

Một số tin đồn cho rằng chính quyền muốn cắt bỏ vài cảnh quay nhạy cảm trong phim.

Cuối cùng, tại hạng mục Phim tài liệu xuất sắc có sự góp mặt của Yellowing - một tác phẩm chắc chắn không được Trung Quốc chào đón khi kể lại những sự kiện dẫn tới và xoay quanh vụ biểu tình kéo dài tại Hong Kong hồi cuối năm 2014.

Yellowing từng bị chính Hong Kong từ chối cấp phép trình chiếu rộng rãi. Ảnh: Outnow.

Bộ phim tài liệu nhạy cảm tới nỗi không thể ra rạp ở xứ Hương cảng và đội ngũ sản xuất chỉ có thể trình chiếu "đứa con tinh thần" ở các sự kiện văn hóa phi thương mại trong khu vực.

Với rất nhiều gương mặt và tác phẩm nhạy cảm như vậy, không ngạc nhiên nếu đêm trao giải Kim Mã năm nay vào tối 26/11 sẽ không được tiếp sóng tại Trung Quốc.

Tuấn Lương (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-guong-mat-nhay-cam-tham-gia-oscar-hoa-ngu-2016-post686409.html