Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho người lao động

Đại dịch Covid - 19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, mà còn tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, việc làm và thu nhập đều bị giảm sút. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân.

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng Võ Thanh Quang cho biết, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP, ngày 8.10.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ trên 453 tỷ đồng (đạt 98,8% kinh phí được phê duyệt). Trong đó, hỗ trợ cho 1.379 doanh nghiệp, 24.638 hộ kinh doanh và 286.502 NLĐ (có 125.954 lao động tự do được hỗ trợ 188,931 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh). Đối với các nhóm chính sách, cơ bản thực hiện đạt 100% kinh phí được duyệt.

Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam bộ tiếp nhận và phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo có nguy cơ thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt. Theo đó, 208,5 tấn gạo đã được phân bổ kịp thời để cấp phát cho các hộ nghèo ở thị xã Ngã Năm, Vĩnh Châu, huyện Long Phú, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Châu Thành. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người dân đang gặp khó khăn có nguy cơ thiếu đói trong những tháng giáp hạt sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhằm giúp cho nhân dân ổn định đời sống.

Từ đầu năm đến nay, ngành lao động tỉnh phối hợp với các địa phương giải quyết việc làm mới cho gần 6.670 lao động (giảm 3,45% so với cùng kỳ do diễn biến dịch Covid-19). Tuy nhiên, ngành chức năng đã và đang nỗ lực để thực hiện các chính sách về lao động, hỗ trợ việc làm bằng nhiều giải pháp như: mở rộng thu thập thông tin thị trường lao động từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động tại các huyện, thị xã, thành phố; giải quyết gần 2.570 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.860 người; tăng cường hoạt động sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm…

Không để người dân nào bị đói

Những phần tiền trợ cấp của Chính phủ đến đúng người, đúng lúc; những túi quà an sinh với gạo, dầu ăn, gói gia vị của các tổ chức, cá nhân... cũng được chuyển đến người lao động từ vùng dịch trở về. Sự hỗ trợ này đã giúp người dân Sóc Trăng nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có thêm điều kiện vượt qua đại dịch Covid-19.

Ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu cho biết, Vĩnh Tân là xã nghèo, vùng sâu, có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 63,7%). Trong thời gian thực hiện giãn cách, những hộ khó khăn trụ được là nhờ sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức, cá nhân. Người từ vùng dịch về thì phải thực hiện cách ly tập trung, sau thời gian cách ly, người làm nghề tự do thất nghiệp, còn đồng bào bám trụ với phum, sóc làm nông nghiệp, thì nông sản không đưa ra thị trường được.

“Chúng tôi vừa chống dịch, vừa lo an sinh cho người dân. Địa phương cũng đã tìm nhiều phương cách, tranh thủ sự hỗ trợ từ cấp trên và bên ngoài để đồng hành, giúp đỡ bà con vượt qua những ngày khó khăn. Đặc biệt, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh luôn sát cánh cùng địa phương chăm lo cho các đối tượng người DTTS, gia đình chính sách và hộ khó khăn” - ông Nhã thông tin.

Vợ chồng ông Thạch Sa Rươl, ấp Trà Vôn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu đều bị bệnh, không có thu nhập, cuộc sống chủ yếu nhờ vào các con. Do dịch bệnh, các con cũng khó khăn nên cuộc sống của vợ chồng ông Sa Rươl bị ảnh hưởng lớn. Nhận được số tiền hỗ trợ, ông bà rất mừng. Sự quan tâm kịp thời này không những giúp gia đình ông bà bớt đi khó khăn, mà còn tăng thêm tin tưởng vào những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

Cũng là người có hoàn cảnh khó khăn được nhận tiền hỗ trợ, chị Trần Mỹ Thu ở khu vực 2, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách cho biết, chị là phụ nữ đơn thân lại đang sống trong phòng trọ; trong đợt dịch bệnh bùng phát vừa qua, chị Thu phải tạm ngưng công việc lao động tự do để ở nhà chăm sóc con, mọi thu nhập chính đều không còn nhưng chị may mắn khi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhận cả 3 đợt trợ cấp.

“Tôi rất mừng khi cả 3 lần đều được nhận trợ cấp, lần đầu là 1,5 triệu, lần thứ 2 là 1,2 triệu cùng quà an sinh và đợt 3 tôi đã được hỗ trợ 1 triệu đồng. Số tiền các lần hỗ trợ không nhiều nhưng đó gần như là “phao cứu sinh” cho hai mẹ con tôi trong những tháng ở nhà chống dịch. Nếu không có sự hỗ trợ thiết thực của địa phương, gia đình cũng không biết lấy gì để lo các khoản chi phí” - chị Thu nhớ lại.

Thực tế cho thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Sóc Trăng đã chủ động trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để bất kỳ người dân nào bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc, đoàn kết, đồng thuận cùng các cấp chính quyền vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, các chính sách hỗ trợ được triển khai đầy đủ, đồng bộ và đúng quy định, góp phần chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống của người lao động, giúp người sử dụng lao động ổn định sản xuất, kinh doanh. Qua đó, bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phương Nghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/nhieu-giai-phap-ho-tro-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-i310930/