Nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp

Người dân, HTX, doanh nghiệp ở Đắk Nông đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi hình thức canh tác để nâng cao giá trị nông sản.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa là một trong những doanh nghiệp áp dụng hiệu quả công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Công ty đã đầu tư xây dựng khu sản xuất công nghệ cao với 10.000m2 nhà kính, chuyên trồng dưa lưới, dâu tây, dưa leo, hoa, các loại rau. Ngoài nhà kính, công ty đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân tự động 100%. Các chỉ số về độ ẩm, nhiệt độ, dưỡng chất... trong vườn cây đều được công ty kiểm soát bằng thiết bị cảm biến.

Hệ thống tưới kết hợp bón phân cho cây trồng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông)

Hệ thống tưới kết hợp bón phân cho cây trồng của Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông)

Các chỉ số về dinh dưỡng trong nước, độ PH đều được đo mỗi ngày bằng máy móc hiện đại. Bà Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc công ty cho biết, sử dụng công nghệ để kiểm soát các yếu tố tác động đến quá trình cây trồng phát triển đã giúp giảm rủi ro về thời tiết, sâu bệnh. Hiệu quả sản xuất của Công ty hầu như đều đạt tối đa. Trong đó, các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, được thị trường đón nhận.

Tương tự, HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song đang áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả. Các thành viên HTX áp dụng quy trình tự nhân nuôi vi sinh vật có lợi để ứng dụng sản xuất phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu, trừ nấm sinh học.

Đối với đạm hữu cơ được các thành viên HTX tự ủ cá tươi, đậu tương; kali được lấy từ quá trình ủ thân và quả chuối; trung vi lượng từ bí đỏ; lân được lấy từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc…

Ngoài ra, các thành viên của HTX còn sử dụng gừng, tỏi, ớt… để sản xuất thuốc diệt các loại sâu bệnh. Nhân nuôi nấm Trichoderma trị được nấm hồng, rỉ sắt và một số nấm hại khác trên cây trồng.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều HTX, doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông minh vào phát triển sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Các quy trình và công nghệ được ứng dụng giúp người dân đạt được các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn tỉnh hiện có trên 29.280ha cây trồng sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic…

Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông minh vào phát triển sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông minh vào phát triển sản xuất nông nghiệp giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Từ vùng nguyên liệu này, tỉnh Đắk Nông đã định hình và phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, như: cà phê, hồ tiêu, điều, khoai lang, bơ, sầu riêng. Đắk Nông đã xây dựng được 94 sản phẩm của 77 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, 16 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP quốc gia.

Đối với việc kết nối tiêu thụ, các ngành chức năng của tỉnh đã đưa trên 100 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử shopee, voso.vn, postmart, ocop.vn… Nông sản Đắk Nông ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường nội địa và quốc tế.

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp tập trung xây dựng các chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp, lấy HTX, doanh nghiệp làm trung tâm, coi ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số là động lực mới trong sản xuất nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp chú trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh đồng hành, hỗ trợ, định hướng cho người dân, doanh nghiệp, HTX tập trung hình thành vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các chủ thể đầu tư máy móc hiện đại sơ chế, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử...

Đắk Nông định hướng đến năm 2025 hình thành và phát triển thêm 12 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng số vùng của tỉnh lên 16 vùng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng một số công nghệ cao chiếm từ 15 - 20% trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hưng Nguyên

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nhieu-giai-phap-cong-nghe-duoc-ung-dung-vao-san-xuat-nong-nghiep-212496.html