Nhiều gia đình tán gia bại sản

Một nạn nhân bị mất nhà vì “tín dụng đen”

Lợi dụng những người nghèo thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc đang lâm vào cảnh túng bấn, nhiều đối tượng chuyên về “tín dụng đen” đã bày ra thủ đoạn cho vay lãi suất thấp nhưng sau đó lợi dụng những bản hợp đồng đã ký chiếm đoạt tài sản, nhà cửa của các nạn nhân. MẤT NHÀ VÌ KHÔNG ĐỌC KỸ HỢP ĐỒNG Những năm gần đây, các đường dây “tín dụng đen” đã thay đổi phương thức, thủ đoạn trục lợi. Không thu tiền lãi cao ngất ngưởng, không truy sát nạn nhân như thường thấy, giờ đây những kẻ cho vay nặng lãi chỉ cần dựa vào kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người vay để chỉ trong thời gian ngắn thâu tóm toàn bộ tài sản của nạn nhân một cách nhanh, gọn. Sau khi yêu cầu người vay ký các thủ tục vay tiền, các đối tượng cho vay buộc người vay phải ký vào một hợp đồng ủy quyền. Nạn nhân đa số là dân nghèo, ít hiểu biết pháp luật, đang rất cần tiền nên thường không có thời gian suy nghĩ, đắn đo. Chính vì thế, họ đâu ngờ rằng mình vừa ký bán căn nhà (hoặc miếng đất) của mình cho chúng với giá rẻ bèo so với giá trị thực tế. Ngày 18-3-2009, vợ chồng ông Trần Thế Dũng (ngụ P. Phạm Ngũ Lão, Q1) làm thủ tục vay 50 triệu đồng của ông Đặng Việt C. (Giám đốc Công ty Đại Cường Ph., trụ sở đặt tại P3QGV). Tài sản để đảm bảo cho việc vay tiền trên là căn hộ chung cư trên đường Trần Hưng Đạo, P. Phạm Ngũ Lão, Q1 của vợ chồng ông Dũng. Tại Phòng công chứng số 6, sau khoảng một giờ vào “làm việc” với công chứng viên, ông C. gọi ông Dũng vào... quán cà phê trước cổng phòng công chứng ký hợp đồng! Sau khi nhận 50 triệu đồng tiền vay và giao toàn bộ giấy chủ quyền căn hộ của mình cho ông C., về nhà, ông Dũng kiểm tra lại hợp đồng thì tá hỏa khi nội dung hợp đồng thế chấp đã trở thành “hợp đồng ủy quyền” cho ông C. được “toàn quyền chuyển nhượng, bán, tặng, cho, thế chấp căn hộ. Ông C. có quyền mang căn nhà trên đi thế chấp, cầm cố mà không hạn chế số lần vay, số tiền vay. Nếu không thanh toán được nợ, dẫn tới tài sản bị phát mãi thì vợ chồng ông Dũng không được khiếu nại; trong phạm vi ủy quyền, ông C. được quyền lập văn bản, ký tên trên các giấy tờ liên quan và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định?! Ông Dũng thiểu não: “Ký một bản hợp đồng với hàng loạt danh mục chỉ trong vài phút thì làm sao đọc hết cho được”. Ông Dũng cho biết, do không được công chứng viên giải thích về quyền lợi và nghĩa vụ nên việc ký hợp đồng diễn ra nhanh chóng. Vài giờ sau khi phát hiện sự việc, vợ chồng ông Dũng yêu cầu ông C. đến phòng công chứng để trả tiền và ký hủy hợp đồng, nhưng ông C. đã đem giấy tờ nhà đất của vợ chồng ông Dũng thế chấp cho bà Bồ Thị V. (ngụ P1QTB) để vay 300 triệu đồng, gấp sáu lần số tiền vợ chồng ông Dũng đã vay. Ngày 6-4-2009, ông C. hẹn vợ chồng ông Dũng đến gặp bà V. tại trụ sở Công ty Thái S. để làm việc. Tại buổi làm việc, vợ chồng ông Dũng yêu cầu ông C. trả lại giấy tờ nhà đất và xin được hoàn trả số tiền 50 triệu đồng đã vay. Ông C. không chấp nhận vì đã đem giấy tờ đi thế chấp. Bà V. tuyên bố, muốn lấy lại giấy tờ nhà đất thì phải trả 300 triệu đồng. Bà V. còn tỏ thái độ thách thức, sẵn sàng đưa vụ việc ra trước pháp luật nếu thấy cần, nhằm uy hiếp tinh thần vợ chồng ông Dũng. Bà V. cho rằng, bà được ông C. ủy quyền giải quyết mọi việc liên quan đến vợ chồng ông Dũng. Chưa dừng lại ở đó, sau khi vợ chồng ông Dũng gởi đơn tố cáo, ông C. đã được cơ quan điều tra Công an Q.3 mời lên làm việc nhưng người đàn ông này đã bất hợp tác và tiếp tục mang giấy tờ nhà đất đi thế chấp cho một người tên Hương ở Q. Tân Phú để vay thêm 500 triệu đồng nữa. Trong khoảng thời gian trên, ông C. cũng bị một nạn nhân khác là ông Trần Văn Hòa (SN 1959, ngụ P. Linh Đông, Q. Thủ Đức) tố cáo về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tại đơn tường trình gửi cơ quan chức năng của ông Hòa, ngày 16-4-2009, do phải trả nợ ngân hàng, ông Hòa đã vay của ông C. 500 triệu đồng với lãi suất 2%/tháng. Tài sản ông Hòa cầm cố cho ông C. là giấy tờ căn nhà diện tích 169m2 tại KP7, P. Linh Đông, Q. Thủ Đức. Cũng như trường hợp ông Dũng, ông C. đã dùng thủ đoạn “ép” ông Hòa làm giấy ủy quyền công chứng để vay tiền trả nợ. Sau đó, nhiều người đã tìm đến nhà ông Hòa “thông báo” việc ông C. mang giấy tờ nhà đất đi vay nóng lấy 1,5 tỷ đồng. Quá sợ hãi, ông Hòa nhiều lần mang tiền đến công ty ông C. để trả nhưng đều không gặp được. Thật ra, trong hợp đồng vay mượn giữa ông C. và ông Hòa có quy định rất rõ: “...Trong vòng một tháng, ông Hòa không trả được nợ thì ông C. có quyền quyết định tài sản là căn nhà số 106/6”. Ông Hòa cho rằng đây là thủ đoạn kéo dài thời gian của ông C. khi cố tình tạo cớ để chiếm đoạt căn nhà của ông. CƠ QUAN CHỨC NĂNG CẦN VÀO CUỘC Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp người vay trở thành nạn nhân của dịch vụ “tín dụng đen”. Theo trình bày của các nạn nhân thì thời gian qua, mặc dù đã tố cáo hành vi của ông C. nhưng tiếc là do sự việc được phân tách ra thành các vụ riêng lẻ và những người có trách nhiệm chưa nắm hết được vấn đề nên cách giải quyết chung chung là kiện ra tòa dân sự. Theo một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, thực chất những trường hợp trên là hợp đồng vay mượn tài sản, nhưng được giả cách thành hợp đồng ủy quyền mua bán nhà đất nên phần lớn người vay tiền bị thiệt. Một trong những cơ sở để khẳng định dấu hiệu bất thường là không ai có thể cầm cố, bán một căn nhà của mình trị giá hàng tỷ đồng chỉ với chưa đầy 1/2 giá trị thực của nó. Không những thế, liên tiếp nhiều nạn nhân bị mắc bẫy thủ đoạn trên do cùng một đối tượng gây ra và hậu quả tác động đến đời sống xã hội là rất nghiêm trọng thì cần phải xử lý nghiêm minh. Cách đây hơn một năm, tại huyện Cần Giờ cũng xảy ra trường hợp tương tự. Người vay vì thiếu hiểu biết đã sa vào bẫy của đường dây “tín dụng đen”. Tòa án sơ thẩm tuyên buộc người vay phải thi hành hợp đồng đã ký nhưng đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân địa phương, dư luận báo chí và đặc biệt là chính quyền địa phương đã có công văn thể hiện chính kiến của mình. Qua bài viết này, rất mong cơ quan chức năng (mà cụ thể là cơ quan điều tra) cần nhanh chóng tiếp nhận, xử lý những vụ việc trên theo đúng bản chất thực của nó bởi nếu không, hàng chục, hàng trăm người nghèo như trường hợp ông Dũng, ông Hòa... sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”. Điều cần cảnh báo là hiện nay, các đối tượng, tổ chức “tín dụng đen” như trên thường phô trương thanh thế của mình bằng cách quảng cáo trên các tờ báo, tạp chí lớn.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=26133&mod=detnews&p=