Nhiều doanh nghiệp chưa hoạch định được tương lai

(HNM) - Trong phiên họp thường kỳ tháng 6 mới đây, Chính phủ xác định quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2014 là 5,8% so với năm trước. Thời gian không còn nhiều, trong khi mục tiêu phấn đấu được nhận định là không dễ dàng khi GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,18%. Một lần nữa gánh nặng lại dồn lên cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nhìn chung hoạt động SXKD của DN thời gian qua đã có bước chuyển đáng khích lệ, niềm tin vào thị trường đang tăng lên mặc dù cũng chưa có sự bứt phá như mong đợi.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có 37.315 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 230.000 tỷ đồng; giảm 4,1% về số lượng DN nhưng tăng 19,3% về vốn so với cùng kỳ. Cùng thời gian trên, có gần 33.000 DN tạm ngừng hoạt động. Tuy vậy, cũng có hơn 8.300 DN trở lại hoạt động sau một thời gian tạm dừng. Đáng mừng là 60,8% số DN xác định sẽ giữ nguyên quy mô về vốn như năm trước và 33% cho rằng dự kiến sẽ tăng quy mô. Hơn 71% số DN tin rằng đơn vị mình tăng doanh thu so với năm trước (tỷ lệ tương ứng của năm 2013 là 54%) và hơn 75% DN dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Đây là diễn biến mới, thể hiện sự lạc quan bắt đầu trở lại với phần lớn DN và cũng là cơ sở để tin tưởng thị trường có thể sẽ sôi động hơn trong nửa cuối năm nay để "lấy đà" bước vào năm kế hoạch tiếp theo.

Hiện số DN sản xuất hướng về xuất khẩu cũng ngày một gia tăng và tham gia vào nhiều lĩnh vực với sự chủ động đa dạng hóa cả về thị trường cũng như sản phẩm. Nhìn chung, các DN đã có ý thức rõ hơn về yêu cầu tăng cường chất lượng nguồn nhân lực kết hợp với đầu tư chiều sâu để tập trung nâng cấp, thay đổi dây chuyền công nghệ và xây dựng thương hiệu nhằm cải thiện sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, DN đang dần có niềm tin trở lại vào cơ hội và kết quả kinh doanh trong năm 2014.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dường như DN chưa hồi phục như mong muốn, mặc dù đã qua thời gian khá dài và đến nay tình hình cũng chưa có dấu hiệu DN có thể bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Với vai trò là yếu tố quyết định sức mạnh, sự thành công hay thất bại của nền kinh tế, cộng đồng DN đang gánh vác nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Thực tế cho thấy, tâm lý giằng co, thiếu quyết đoán vẫn khá phổ biến đối với giới công thương bởi mới chỉ có 34,8% DN tỏ ra lạc quan về tình hình thị trường trong nước. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị không đánh giá được nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, có tới 50,5% DN không muốn vay vốn ngân hàng chủ yếu do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm cũng như thiếu chắc chắn về tương lai ngắn hạn của đơn vị. Đó là một tỷ lệ lớn và đáng lo ngại bởi một khi DN thiếu mặn mà với mục tiêu mở rộng SXKD chứng tỏ sự bị động trước việc ra quyết định, hoạch định định hướng lâu dài của mình. Một số chuyên gia cho rằng, điều đó thể hiện thực tế là DN của ta nhìn chung quy mô nhỏ, yếu về năng lực và thiếu nguồn lực tổng hợp, còn lúng túng với việc chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hình ảnh "thuyền nan ra biển lớn" vẫn là quen thuộc và chưa thể thay đổi trong "một sớm một chiều" đối với đội ngũ DN Việt.

Trước những thực tiễn và yêu cầu tăng trưởng GDP nói trên, các cơ quan chức năng đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp có tính chất đồng bộ, kịp thời. Đó là, triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, DN sẽ được hoạt động trong môi trường thông thoáng, thuận lợi và minh bạch theo tinh thần của một số luật đang và sẽ đi vào cuộc sống như Luật DN, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công. Giới phân tích cho rằng, cùng với sự hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh và sự "ấm" dần của thị trường thì DN sẽ hồi phục với tốc độ nhanh hơn và thị trường có thể thoát đáy kể từ cuối năm nay. Về việc có thể xảy ra tình huống giảm sút kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công thương đang chuẩn bị những biện pháp nhằm đa dạng hóa thị trường; phòng chống tình trạng phụ thuộc thị trường cũ cũng như kiên quyết khai thông thị trường mới để ứng phó.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải:

Cơ quan chức năng đang đi những bước cuối cùng để hoàn tất quá trình đàm phán gia nhập Liên minh Thuế quan Việt Nam với Karzakstan, Belarus và Nga hoặc Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU. Ngoài ra, Việt Nam cũng nỗ lực hoạt động xúc tiến thương mại, thỏa thuận giao thương với một số đối tác có tiềm năng với một số quốc gia thuộc khu vực Trung Mỹ, Châu Phi; đặc biệt là tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Tin rằng, với sự hỗ trợ từ cấp vĩ mô, các DN có thể tận dụng thời cơ vươn ra thị trường mới để thực hiện đa dạng hóa thị trường và đứng vững trên thương trường...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/694188/nhieu-doanh-nghiep-chua-hoach-dinh-duoc-tuong-lai