Nhiều điều chờ đợi ở Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống Phú Xuyên

Chiều 17-10, Tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên đã thông tin về Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống của huyện.

Đây là hoạt động nhằm quảng bá giới thiệu được sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, phát triển bền vững.

Theo đó, Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống Phú Xuyên năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 26-10 đến 29-10 với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa như: Khu nghệ thuật sắp đặt; triển lãm ảnh nghệ thuật; biểu diễn tay nghề; giao lưu nghệ thuật…

Khu nghệ thuật sắp đặt là điểm nhấn hoàn toàn khác biệt, mới lạ so với những năm trước đây ngoài việc mang đến cho lễ hội một không gian nghệ thuật sắc đặc sắc không chỉ tôn vinh nét đẹp của các sản phẩm làng nghề mà qua đó nâng cao tính năng, giá trị của sản phẩm cũng như ứng dụng thực tiễn tới nhiều lĩnh vực trong đời sống; Biểu diễn tay nghề và văn nghệ từ làng nghề; triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt; biểu diễn xiếc, trò chơi dân gian.

Tham gia lễ hội sẽ có hơn 300 gian hàng gồm các sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu với các ngành hàng: Dệt, may; da giầy, thủ công mỹ nghệ, nội thất, thực phẩm, đồ uống, nông sản.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Phú Xuyên được mệnh danh là đất trăm nghề, toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, các hộ, các làng nghề ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên thông tin về Lễ hội, ảnh T.A

Năm 2017 toàn huyện có 24.500 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), số lao động sản xuất TTCN là 39.939 người; giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550 tỷ đồng; thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/năm (năm 2015 là 45 triệu đồng/năm, năm 2016 là 49 triệu đồng/năm). Có 385 công ty, doanh nghiệp; 6 HTX công nghiệp; 8 tổ chức, quỹ tín dụng; 3 hiệp hội hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận, đời sống của nhân dân các làng nghề được cải thiện, số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện.

Công tác đầu tư để phát triển du lịch làng nghề trong huyện tiếp tục được quan tâm triển khai. Năm 2017, trên địa bàn huyện đã thu hút được trên 300 đoàn khách trong nước và nước ngoài với tổng số gần 6000 lượt người đến thăm quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch làng nghề; các đoàn khách tập trung đến các địa điểm làng nghề như: Khảm Trai xã Chuyên Mỹ, Giầy da xã Phú Yên, Cỏ Tế xã Phú Túc, Mộc xã Tân Dân, Văn Nhân, May comple xã Vân Từ, Cơ khí xã Đại Thắng…

Thời gian tới huyện sẽ tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch làng nghề. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, lắp đặt biển chỉ dẫn vào làng nghề. Duy trì lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện, xã; xây dựng hình thành một số tuyến du lịch gắn với làng nghề; tại các xã có làng nghề truyền thống sẽ bố trí cán bộ có năng lực về hướng dẫn du lịch để phục vụ hướng dẫn khách đến thăm quan.

T. An

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nhieu-dieu-cho-doi-o-le-hoi-vinh-danh-lang-nghe-truyen-thong-phu-xuyen-105689.html