Nhiều điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên năm 2024

Trả lương theo vị trí việc làm, bãi bỏ phụ cấp thâm niên, bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương là những điểm mới trong cải cách tiền lương giáo viên theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ ngày 1/7/2024.

in

Sẽ bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương (không bao gồm phụ cấp) là điểm mới trong chính sách cải cách tiền lương giáo viên năm 2024. Ảnh: Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám

Ngày 10/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, chính thức thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 từ ngày 1/7/2024.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương, đối với giáo viên là viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được chuyển xếp lương cũ sang bảng lương mới, bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay.

Bảng lương giáo viên được xây dựng theo vị trí việc làm dựa trên nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề. Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức thực hiện.

Trong đó, cơ cấu tiền lương của giáo viên theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với khu vực công được quy định: Lương cơ bản (chiếm 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30% tổng quỹ lương), tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, thu nhập của giáo viên tăng so với mức lương hưởng hiện tại. Thứ hai, bổ sung thêm tiền thưởng trong cơ cấu tiền lương. Trong đó, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Điểm đáng chú ý của chính sách tiền lương mới, đảm bảo lương thấp nhất của giáo viên bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I của khu vực doanh nghiệp, cụ thể 4.680.000 đồng/tháng. Hiện nay, lương giáo viên thấp nhất là 3.348.000 đồng/tháng (giáo viên mầm non hạng IV).

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương giáo viên có nội dung nổi bật là sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, trong đó bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Như vậy, với chính sách tiền lương mới, lương giáo viên sẽ tăng lên, trong đó nhóm giáo viên trẻ là đối tượng đón nhận nhiều niềm vui, không phải chờ đợi thâm niên công tác.

Trái lại, nhiều giáo viên có thâm niên công tác bày tỏ băn khoăn nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương mới, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo là điều tiếc nuối, mong muốn Bộ Nội vụ quan tâm khi xây dựng quy định mới để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác và gắn bó với nghề.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhieu-diem-moi-trong-cai-cach-tien-luong-giao-vien-nam-2024-373118.html