Nhiều địa bàn tại Đắk Lắk có nguy cơ xóa sổ rừng

Nạn phá rừng tại Đắk Lắk thời gian gần đây trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Hàng loạt diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong bối cảnh nhiều chủ rừng buông lỏng quản lý, nhiều chủ rừng đã mất khả năng bảo vệ rừng. Một số địa bàn đối mặt với nguy cơ rừng bị xóa sổ.

Liên tục mấy năm nay, lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông- phía đông nam tỉnh Đắk Lắk, trở thành trọng điểm của nạn phá rừng. Hàng loạt tiểu khu giáp ranh với các huyện Ea Kar, M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), đặc biệt là những diện tích dọc tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang thi công, rừng bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều khoảnh rừng đã bị chặt hạ, đốt phá nham nhở. Nhiều gốc cây bị cưa hạ và mới bị đốt, đường kính đến vài người ôm.

Liên tục mấy năm nay, lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông, phía đông nam tỉnh Đắk Lắk, trở thành trọng điểm của nạn phá rừng

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, hơn 2.000 hộ, khoảng 17.000 người di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào lâm phân phần công ty, dẫn đến phá rừng mất kiểm soát. Cùng với đó, nhiều dự án trọng điểm về thủy lợi, giao thông triển khai ở địa phương có thu hồi đất ở, đất sản xuất của dân nhưng chưa làm tốt công tác tái định cư, tái định canh, dẫn đến người dân ồ ạt vào lâm phần của công ty phá rừng, chiếm đất.

“Liên tục những năm gần đây triển khai những dự án lớn, đó là hồ Krông Pách thượng, đường Đông Trường Sơn, và lớn nhất cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Phân trường Ea Tlong là nơi chịu áp lực nhiều nhất từ tuyến cao tốc là có hiện tượng dân rải hóa chất diệt cây rừng, rất khó đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Và hệ lụy như thế thì làm suy giảm rừng rất nhanh”, ông Tuấn cho hay.

Nhiều khoảnh rừng đã bị chặt hạ, đốt phá nham nhở

Ở phía tây bắc của Đắk Lắk, hơn 5.800ha trong tổng số 8.800ha Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’Gar) đã không còn rừng. Khoảng 3.000ha còn lại, được gọi là có rừng nhưng đã rất kiệt quệ. Hiện nay, rừng tại đây vẫn tiếp tục bị băm vằm vô tội vạ. Phần bị phá lan rộng, cách các trạm quản lý, bảo vệ rừng vài trăm mét.

Ông Trần Hồng Minh, cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết, các đối tượng phá rừng gần đây rất ngang nhiên và manh động. Không kể ở gần hay xa, hễ còn rừng là còn bị phá. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả, tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Bản thân ông Minh từng bị hàng chục đối tượng hành hung phải nhập viện.

“Người dân họ di cư sống khắp nơi trong rừng, họ lấn chiếm lung tung nên mình rất khó khăn. Hiện nay rất phức tạp, bản thân em đi làm thì họ tức tối họ vô tận trạm đây họ đánh phải nhập viện, họ rất manh động”, ông Minh cho biết thêm.

Nhiều gốc cây bị cưa hạ và mới bị đốt, đường kính đến vài người ôm

Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk nêu thực tế đáng lo ở địa phương khi người dân di cư tự do ồ ạt phá rừng, chiếm đất. Trong khi áp lực lên rừng càng ngày càng lớn thì khi lực lượng bảo vệ rừng lại nghỉ việc hàng loạt. Nhiều chủ rừng hiện nay đã mất khả năng bảo vệ rừng. Rừng trên địa bàn huyện có nguy cơ bị xóa sổ.

“Có nhiều người đã bỏ việc dẫn đến các công ty nông lâm trường trên địa bàn huyện Cư M’Gar gần như mất hoàn toàn khả năng quản lý, bảo vệ rừng. Trên địa bàn huyện Cư M’Gar thì rừng xem như đã bị phá gần hết. Kiểm tra thực tế rừng đã mất từ thời điểm nào cũng không xác định được”, ông Văn nói.

Trong khi rừng bị tàn phá nặng nề, nhiều chủ rừng ở Đắk Lắk lại đang buông lỏng quản lý. Thậm chí, vì sợ trách nhiệm, nhiều chủ rừng không báo cáo tình hình thực tế, dẫn đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, rừng đã trống rỗng, đất rừng đã bị xâm canh, rất khó xử lý.

Ở phía tây bắc của Đắk Lắk, rừng của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư M’Gar) cũng đang bị tàn phá

“Trước hết là không nắm được, rà soát không hết, thứ hai là giấu khuyết điểm. Nạn di dân tự do phá rừng cách đây 10 năm mà đến nay mới phát hiện được, thì rõ ràng chủ rừng sợ khuyết điểm cho nên không dám báo cáo với chính quyền địa phương, với các ngành chuyên môn của tỉnh để tìm giải pháp. Khi phát hiện như vậy thì không biết trách nhiệm thuộc về ai, rồi đổ trách nhiệm cho nhau”, ông Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nêu thực tế.

Năm 2023 lực lượng chức năng Đắk Lắk phát hiện, lập hồ sơ 1.036 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, 246ha rừng bị tàn phá. Số vụ và diện tích rừng bị phá thống kê được, chưa phản ánh hết thực tế. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng nhìn nhận, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm luật Lâm nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, xâm canh, lấn chiếm và tái lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến rất phức tạp.

Trong khi rừng bị tàn phá nặng nề, nhiều chủ rừng ở Đắk Lắk lại đang buông lỏng quản lý

Ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đáng lo nhất hiện nay là vấn đề dân di cư tự do vào phá rừng, lấn chiếm đất rừng nóng ở hầu hết địa bàn các huyện. Hệ lụy của vấn đề này rất lớn nhưng địa phương chưa có giải pháp căn cơ, cần đến trung ương quan tâm hỗ trợ.

“Rất nhiều vùng vẫn còn tình trạng dân di cư tự do vẫn chưa được sắp xếp, ổn định gây rất nhiều hậu quả như phá rừng, xâm chiếm đất đai trái phép. Trước tình hình này, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương xây dựng các dự án ổn định dân di tự do. Tuy nhiên, hiện nay đang gặp những khó khăn, nguồn kinh phí Trung ương đầu tư cho các chương trình ổn định dân di cư tự do còn hạn chế”, ông Dương nhấn mạnh.

Nhiều chủ rừng không báo cáo tình hình thực tế, dẫn đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, rừng đã trống rỗng, đất rừng đã bị xâm canh, rất khó xử lý

Với thực trạng rừng bị băm vằm vô tội vạ, đối tượng phá rừng xem thường pháp luật, trong khi đó, nhiều chủ rừng buông lỏng quản lý, nhiều chủ rừng mất khả năng bảo vệ rừng, nhiều địa bàn của Đắk Lắk rừng có nguy cơ bị xóa sổ.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-dia-ban-tai-dak-lak-co-nguy-co-xoa-so-rung-post1088584.vov