Nhiều cuộc chiến dai dẳng - Bài 1: Những vùng đất của bom đạn

Trải qua hàng chục năm xung đột, người dân các nước Afghanistan, Syria và Libya hàng ngày vẫn phải đối mặt với những cuộc giao tranh ác liệt đe dọa đến tính mạng.

LTS: Cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý về Dải Gaza, nơi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel leo thang trong những ngày qua. Bên cạnh cuộc xung đột không lối thoát kéo dài hơn 7 thập niên này, thế giới còn nhiều điểm nóng giao tranh chưa thấy hồi kết.

Giao tranh vẫn diễn ra tại Syria. Ảnh: SKY NEWS

Giao tranh vẫn diễn ra tại Syria. Ảnh: SKY NEWS

Hàng thập niên chiến tranh

Là một vùng đất có vị trí chiến lược, nằm ở nơi giao nhau của Trung Á và Nam Á, Afghanistan là một điểm nóng về xung đột từ thế kỷ 20 đến nay. Năm 1973, do sự bất mãn với chế độ quân chủ ngày càng tăng, vua Zahir Shah bị người anh họ Mohammed Daoud Khan lật đổ.

Sau đó, Khan đã chuyển chế độ quân chủ thành nước cộng hòa với tên gọi Cộng hòa Dân chủ Afghanistan (DRA) và trở thành Tổng thống đầu tiên của Afghanistan, nhưng đến năm 1978, ông bị ám sát trong một cuộc đảo chính. Chính biến này dẫn đến sự phản kháng giữa các nhóm Hồi giáo cánh hữu (được Pakistan, Mỹ, Saudi Arabia và một số quốc gia khác hỗ trợ) với chính phủ do đảng Dân chủ nhân dân Afghanistan (PDPA) thân Liên Xô nắm quyền.

Để bảo vệ chính quyền PDPA, năm 1979 Liên Xô đã can thiệp vào Afghanistan. Sau 10 năm (1979-1989), Liên Xô rút quân và PDPA tiếp tục chiến đấu với các nhóm Hồi giáo cánh hữu đến năm 1992, khi chính quyền PDPA được thay thế bởi một chính phủ lâm thời.

Tuy nhiên, hòa bình không kéo dài lâu vì các phe phái Hồi giáo bắt đầu đánh nhau để tranh giành quyền kiểm soát các khu vực của Afghanistan. Giai đoạn này kéo dài từ năm 1992 đến 1996, là cuộc xung đột đẫm máu giữa các nhóm Hồi giáo như: Jamiat-e Islami, Hezb-e Islami, Ittihad-e Islami, Junbish-e Milli…

Trong bối cảnh ấy, Taliban nổi lên vào năm 1994. Đây là một tổ chức Hồi giáo cực đoan, đã tuyên chiến với các nhóm Hồi giáo khác và nhanh chóng chiếm được nhiều khu vực của Afghanistan. Năm 1996, Taliban đã chiếm được thủ đô Kabul và lập ra Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, áp đặt các luật Hồi giáo nghiêm ngặt, nhất là với nữ giới.

Taliban cũng bị cáo buộc tàn sát hàng ngàn dân thường, đặc biệt là những người thuộc các dân tộc thiểu số và cung cấp nơi ẩn náu cho các tổ chức khủng bố quốc tế như Al-Qaeda của Osama bin Laden. Chỉ có một số ít quốc gia công nhận chính quyền của Taliban, trong khi phần lớn thế giới vẫn ủng hộ chính phủ lưu vong của Tổng thống Burhanuddin Rabbani và Liên minh phương Bắc (hay Mặt trận Thống nhất), một liên minh của các nhóm Hồi giáo chống lại Taliban, được hỗ trợ bởi Nga, Iran, Ấn Độ và các quốc gia khác.

Cuộc xung đột giữa Taliban và Liên minh phương Bắc tiếp tục cho đến năm 2001, khi Mỹ và các đồng minh can thiệp vào Afghanistan sau vụ khủng bố 11-9 do Al-Qaeda tiến hành. Đây có thể xem là một giai đoạn chiến tranh nữa của Afghanistan, kéo dài giữa lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan chống lại Taliban và các nhóm khủng bố khác.

Cuộc can thiệp này đã dẫn đến việc lật đổ chính quyền của Taliban vào cuối năm 2001 và sự thành lập của một chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hamid Karzai. Nhưng Taliban không bị tiêu diệt hoàn toàn mà đã rút về các khu vực nông thôn, tiến hành những cuộc nổi dậy du kích. Đến tháng 8-2021, Taliban một lần nữa trở lại nắm quyền ở quốc gia Trung Á này.

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Chịu ảnh hưởng bởi làn sóng chính biến Mùa xuân Arab làm rung chuyển khu vực Bắc Phi và Trung Đông hơn 10 năm trước, đến nay là năm thứ 12, Syria chìm trong xung đột. Có thể xem đây là chiến tranh ủy nhiệm với sự tham gia của nhiều bên liên quan như Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ…

Nhiều cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy hòa bình ở Syria trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã diễn ra, song vẫn chưa đạt được kết quả mang tính đột phá. Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành được ưu thế trên chiến trường, nhưng vẫn phải đối mặt với sự kháng cự của các nhóm đối lập và sự can thiệp từ bên ngoài.

Libya, quốc gia Bắc Phi có nguồn dầu mỏ lớn nhất châu lục này, cũng bị chia rẽ bởi nhiều lực lượng. Cuộc xung đột tại Libya bắt đầu từ năm 2011, khi một cuộc nổi dậy được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ đã lật đổ và giết chết nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Sau đó, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn khi bị chia cắt thành 2 khu vực chính (miền Đông và miền Tây) do 2 chính quyền khác nhau kiểm soát. Trong đó, chính quyền ở miền Đông được gọi là Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận. Năm 2014, sau cuộc bầu cử gây tranh cãi, 2 chính quyền này cùng tuyên chiến và chiếm lấy các khu vực khác nhau của đất nước.

Năm 2016, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tận dụng sự hỗn loạn để xâm nhập và chiếm được TP Sirte, nhưng sau đó đã bị các lực lượng của GNA đánh lui. Năm 2019, một cuộc tấn công quy mô lớn của chính quyền miền Tây do tướng Khalifa Haftar chỉ huy đã diễn ra, nhưng rồi chịu thất bại sau 14 tháng giao tranh ác liệt. Năm 2020, hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Libya vẫn chưa có hồi kết với các vấn đề nan giải như: việc rút quân của các lực lượng bên ngoài, giải trừ vũ khí của các nhóm dân quân, duy trì an ninh, mâu thuẫn của các bên liên quan…

Có thể nói, Libya là ví dụ điển hình về cuộc xung đột kéo dài với hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến người dân một quốc gia mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho khu vực và thế giới.

MINH CHÂU tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-cuoc-chien-dai-dang-bai-1-nhung-vung-dat-cua-bom-dan-post709415.html