Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt ở miền núi Bình Định xuống cấp

Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân miền núi tỉnh Bình Định đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình hư hỏng, không thể hoạt động. Mùa nắng nóng đã bắt đầu, người dân một số nơi ở các huyện miền núi tỉnh này vất vả tìm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày.

Đập dâng khu vực Suối Đá, thôn Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định được xây dựng hơn 10 năm trước. Công trình này ngăn dòng, cấp nước sinh hoạt phục vụ gần 100 hộ dân đồng bào Ba Na ở thôn Hà Văn Trên. Trải qua thời gian và tác động của thiên tai, công trình đập dâng ở Suối Đá bị hư hỏng nghiêm trọng.

Năm 2020, nước lũ từ thượng nguồn đổ về bồi lấp mặt đập dâng, hệ thống đường ống sắt dẫn nước về làng bị hư hỏng.

Công trình đập dâng ở Suối Đá, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh cấp nước sinh hoạt cho gần 100 hộ đồng bào Ba Na ở thôn Hà Văn Trên

Công trình đập dâng ở Suối Đá, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh cấp nước sinh hoạt cho gần 100 hộ đồng bào Ba Na ở thôn Hà Văn Trên

Ông Đinh Văn Đông, ở thôn Hà Văn Trên cho biết, bà con trong thôn đã góp tiền, bỏ công để nối lại đường ống nhưng cứ vào mùa khô, Suối Đá cạn nước, mọi người lại chật vật tìm nước sinh hoạt.

“Thời gian trước, người ta đắp cái bờ dẫn nước về cho dân làng sinh hoạt hàng ngày. Mùa nắng vào tháng 6 thiếu nước, khô hết, dân ở đây rất vất vả. Cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh về khảo sát, tuy nhiên nước đó không đủ làm hồ lớn và nay không làm nữa. Công trình đưa nước về thôn Hà Văn Trên bây giờ đã xuống cấp, chúng tôi đề nghị nâng lên 1 mét để cung cấp nước sinh hoạt đầy đủ cho người dân”, ông Đông bày tỏ.

Huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có 17 công trình cấp nước tự chảy phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, trong đó, có 5 công trình không hoạt động. Ông Trần Phong Năng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Canh cho biết, hầu hết các công trình cấp nước tự chảy trên địa bàn đã xuống cấp, việc cấp nước cho người dân những tháng mùa khô gặp nhiều khó khăn.

“Nước tự chảy, công trình này Nhà nước đầu tư cho đồng bào miền núi. Những công trình này chỉ phục vụ lấy nước đem về không qua lọc, nhưng cơ bản đảm bảo phục vụ cho bà con trong mùa nắng nóng. Những công trình này, huyện giao về cho xã, xã giao về cho thôn, làng bà con tự quản lý. Thực tế huyện không thu tiền, nên kinh phí để phục vụ tu sửa công trình hạn hẹp. Qua kiểm tra, chúng tôi xác nhận, hiện không có công trình nào nguyên vẹn”, ông Năng nói.

Đường ống dẫn nước từ đập dâng khu vực Suối Đá về đến thôn Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh bị hư hỏng

Đường ống dẫn nước từ đập dâng khu vực Suối Đá về đến thôn Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh bị hư hỏng

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định vừa kiểm tra thực trạng hoạt động và quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại miền núi. Hiện, có đến 21 trong số 94 công trình cấp nước không hoạt động. Nguyên nhân, một số đập dâng bị cát bồi lấp, không có hố thu nước, lá cây vùi lấp cửa lấy nước. Một số công trình có bể lọc nhưng không hoạt động, không có hệ thống khử trùng, bên ngoài công trình nước sạch không được vệ sinh thường xuyên...

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, sở đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập đề án đánh giá hiện trạng công trình nước sạch nông thôn miền núi để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa.

“Bây giờ, đã có thay đổi về quy chuẩn nước sạch. Tất cả các vùng miền trong cả nước, trong tỉnh Bình Định đều sử dụng một quy chuẩn. Các công trình cấp nước không còn là cấp nước sinh hoạt, phải nước sạch. Do đó, buộc phải xử lý bài bản nguồn nước sạch để người dân sử dụng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần xây dựng đội ngũ quản lý, vận hành thật sự nghiêm túc, bài bản và có thu phí nước. Nếu trường hợp những vùng đồng bào dân tộc mà sử dụng nước, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị với UBND tỉnh có chính sách cấp bù, bảo đảm được điều kiện cấp nước cho người dân”, ông Chương nêu rõ./.

Thanh Thắng/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-cong-trinh-cap-nuoc-sinh-hoat-o-mien-nui-binh-dinh-xuong-cap-post946496.vov