Nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính

Bình Thuận xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác CCHC.

Sáng tạo, xây dựng các mô hình

Giữa tháng 4, bà Nguyễn Thị Sáu (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết) đến bộ phận một cửa phường để làm thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng đất đai. Do chữ viết hạn chế nên bà Sáu rất hồi hộp và lo lắng. Thế nhưng, mọi lo lắng của bà là thừa khi gặp được các đoàn viên thanh niên hướng dẫn kê khai và viết giùm các thông tin liên quan đến thủ tục. “Làm nghề biển, tôi ít khi cầm viết, lại diễn đạt không tốt nên tôi nghĩ có khi cả buổi, công việc này vẫn không xong. Ấy vậy mà, nhờ các cô chú đoàn viên thanh niên hướng dẫn, viết giùm nên hồ sơ hoàn thành nhanh chóng, ngoài sức tưởng tượng của tôi”, bà Sáu chia sẻ.

UBND phường Mũi Né cho biết, cách làm trên ra đời từ những đặc thù của bộ phận “một cửa”. Đó là, công chức chuyên môn vừa phụ trách tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, đồng thời phải giải quyết và trả kết quả cho người dân, vì vậy cần có sự tập trung làm việc cao và mất nhiều thời gian. Thế nhưng, có nhiều thủ tục hành chính (TTHC) như: Khai sinh, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… có các thành phần hồ sơ cần hướng dẫn kỹ và ghi tờ khai, mà không phải người dân nào cũng thành thạo để xử lý. Vì vậy, để việc giải quyết TTHC cho người dân được kịp thời, UBND phường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tổ chức, phân công cán bộ, công chức, viên chức hàng ngày trực viết giúp, hướng dẫn bà con khi đến làm thủ tục hành chính. Việc làm này đã tạo thuận lợi, làm hài lòng bà con nhân dân khi đến giải quyết các thủ tục hành chính tại địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các mô hình: “Công dân không viết” trong giải quyết TTHC; “Chuyển giao Bưu điện thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC”; “Hỗ trợ tổ chức, cá nhân hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp”… Các mô hình này đang được UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tại bộ phận một cửa các cấp để đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, UBND TP. Phan Thiết cũng đã triển khai Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh TP. Phan Thiết (IOC); trung tâm vận hành Hệ thống phản ánh hiện trường phục vụ phản ánh, kiến nghị, giải đáp vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Đây là công cụ để kết nối chính quyền và người dân, khách du lịch nhằm đưa tin phản ánh kèm theo hình ảnh, video clip về những vấn đề bất cập cần hỗ trợ xử lý trên địa bàn thành phố dựa trên nền tảng ứng dụng thiết bị thông minh và App “Phan Thiết - S”.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả trong CCHC

Trong những tháng đầu năm 2023, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số... Cụ thể ở lĩnh vực chuyển đổi số, các nền tảng số đang được các sở, ngành triển khai như: Hệ thống thông tin Quản lý nghiệp vụ thông tin cơ sở, nền tảng giám sát thông tin mạng xã hội (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông); đề án Xây dựng phần mềm số hóa quy trình triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); dự án “Giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các sản phẩm OCOP Bình Thuận, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc trưng thế mạnh của tỉnh Bình Thuận”, đề án “Nâng cấp sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng”… (thuộc Sở Công Thương); dự án “Lắp đặt hệ thống lưu, truyền hình ảnh y khoa (PACS) và Hệ thống kết nối chẩn đoán hình ảnh (RIS) trong Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận” (thuộc Sở Y tế)…

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình TTHC đã được UBND tỉnh phê duyệt rà soát, rút ngắn; thực hiện tốt việc công khai minh bạch các quy định, thông tin để người dân, doanh nghiệp biết với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận tìm hiểu, thực hiện. Tập trung thực hiện cải cách TTHC với việc thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa các giấy tờ, TTHC, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai, hộ tịch, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến… trong quản lý và giải quyết TTHC. Từ đó sẽ góp phần giảm giấy tờ hành chính, chi phí thời gian, chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng triển khai CCHC tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nhieu-chuyen-bien-trong-cai-cach-hanh-chinh-108295.html