Nhiều chứng cứ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ở Viện Hải dương học

(Kienthuc.net.vn) - Viện Hải dương học đã lưu giữ nhiều tư liệu quý như: hình ảnh đèn hải đăng tại đảo Hoàng Sa, thuyền độc mộc của đội khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa…

Vừa qua, Viện Hải dương học được các cơ quan chức năng Khánh Hòa chọn là một trong 15 điểm lắp đặt các tấm bản đồ giới thiệu về chủ quyền biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân, du khách, nhất là khách quốc tế.

Sự kiện này đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên…ban bè quốc tế biết. Đây chính là biện pháp tuyên truyền hữu hiệu, khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ quốc đối với 2 quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Du khách nước ngoài đang tìm hiểu về Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ

Từ tháng 6-1925 đến tháng 7-1953, Viện đã tổ chức 7 chuyến tàu khảo sát nghiên cứu tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thời kỳ này, Viện đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học biển với một số đề tài có giá trị.

Đặc biệt, nơi đây còn là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý như: hình ảnh đèn hải đăng tại đảo Hoàng Sa, thuyền độc mộc đội khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa…tất cả đều là bằng chứng khẳng định về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa rất rõ.

Mẫu sinh vật biển tại khu vực Hoàng Sa - Trường Sa

Từ năm 2011, Viện Hải Dương học đã đưa Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa vào khai thác. Hàng năm có hàng chục ngàn lượt người đến thăm quan, qua đó, giúp người dân và du khách hiểu biết thêm hàng ngàn mẫu sinh vật, địa chất và hiểu biết rõ hơn công cuộc khai thác, quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta từ hàng trăm năm trước đối với 2 quần đảo này!

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/diem-nong/201302/Nhieu-chung-cu-chu-quyen-Hoang-Sa-Truong-Sa-o-Vien-Hai-duong-hoc-895255/