Nhiều ca nguy kịch ở TP.HCM được cứu sống trong tích tắc

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã cứu sống nhiều trường hợp người bệnh trong tình trạng nguy kịch nhờ phát huy quy trình báo động đỏ.

Liên tiếp nhiều trường hợp bị dao đâm được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện TP.HCM. Ảnh minh họa: Unsplash.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, sáng 29/4, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 2 trường hợp là công an và dân quân tự vệ bị thương khi đang làm nhiệm vụ.

Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh, đánh giá đây là trường hợp nguy kịch với vết thương phức tạp và sâu vùng cổ, chảy máu nhiều, tình trạng người bệnh xấu dần, huyết áp tụt, kíp trực đã nhanh chóng hội chẩn và kích hoạt báo động đỏ, chuyển phòng mổ tối khẩn.

Sau nhiều giờ mổ, khâu cầm máu và hồi sức, tình trạng bệnh nhân đã dần ổn định.

Trước đó, tối 28/4, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một trường hợp người lớn đến cấp cứu tại bệnh viện vì vết thương do dao đâm ở vùng ngực phải và vùng bụng ngay vị trí gan.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng bứt rứt, môi tím tái, chi mát, mạch tứ chi khó bắt, mạch và huyết áp khó đo. Ngay lập tức, ê-kíp trực đã xử trí băng ép các vết thương cầm máu, đặt nội khí quản, truyền dịch chống sốc, truyền máu, truyền adrenaline, đồng thời kích hoạt báo động đỏ liên viện với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Trưng Vương.

Nhận định người bệnh có nguy cơ tử vong cao, trong vòng 30 phút, ê-kíp cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 đã có mặt trực tiếp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để tham gia phẫu thuật.

Sau 1h hồi sức tích cực, bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ ngay tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Người bệnh sau đó đã được phẫu thuật khâu vết rách của phổi, cầm máu động mạch gian sườn, khâu cơ hoành và nhu mô gan bị rách.

Đến 8h ngày 29/4, tình trạng bệnh nhân ổn định, được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 để tiếp tục điều trị.

Báo động đỏ là huy động sự phối hợp khẩn cấp cùng lúc nhiều chuyên khoa trong bệnh viện (báo động đỏ nội viện) hoặc quy trình phối hợp, hỗ trợ khẩn cấp giữa các bệnh viện với nhau (báo động đỏ liên viện).

Mục tiêu của quy trình này là huy động một cách nhanh nhất ê-kíp nhân viên y tế chuyên khoa có mặt tại phòng mổ, ưu tiên cấp cứu người bệnh trong thời gian sớm nhất, có thể bỏ qua một số khâu của quy trình cấp cứu như hội chẩn, xét nghiệm...

Từ năm 2016, thời điểm Sở Y tế TP.HCM triển khai quy trình báo động đỏ đến nay, liên tiếp nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch đã được cứu sống.

Tiểu Huệ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhieu-ca-nguy-kich-o-tphcm-duoc-cuu-song-trong-tich-tac-post1472732.html