Nhiều bất cập trong ứng dụng khoa học công nghệ quản lý vận tải

Xe không vào bến dù đã đăng ký, các lái xe chạy quá tốc độ hàng chục, hàng trăm lần mỗi tháng. Thế nhưng các lỗi này chỉ bị phát hiện khi lực lượng chức năng rà soát lại từ hệ thống giám sát hành trình. Đây cũng chính là một trong những bất cập, tồn tại sau 3 năm triển khai Nghị định số 10/2020 thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải.

Lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định vi phạm

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trung bình mỗi tháng có khoảng 700- 800 phương tiện kinh doanh vận tải bị Sở thu hồi phù hiệu, biển hiệu do vi phạm tốc độ chạy xe. Nhưng không ít phương tiện ngay sau khi hết thời hạn phạt tiếp tục tái phạm. Không ít doanh nghiệp có hàng chục phương tiện vi phạm mỗi tháng, thậm chí trong danh sách trích xuất dữ liệu có phương tiện vi phạm tới hàng nghìn lần trong 1 tháng mà vẫn không khắc phục.

Số liệu từ Sở GTVT cho thấy, trong tháng 7/2023, đơn vị này đã ban hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với 750 phương tiện của 239 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, do vi phạm tốc độ, số liệu này từ thông tin của Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trong tháng 7/2023.

Trước đó, cũng qua trích xuất dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đã thu hồi phù hiệu của 816 phương tiện trong tháng 5/2023 và 848 phương tiện trong tháng 6/2023, cùng do lỗi vi phạm tốc độ. Điều đáng nói, vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Song nếu vi phạm không sớm được phát hiện trên đường, hoặc sau đó không được xử phạt nghiêm thì nguy cơ tai nạn vẫn luôn hiện hữu.

Những quy định mới về sử dụng thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp giảm nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh minh họa

Những quy định mới về sử dụng thiết bị giám sát hành trình sẽ giúp giảm nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai, Nghị định số 10/2020 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận tải, cắt giảm các thủ tục hành chính; tạo lập môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, công bằng, thuận lợi, hiện đại. Người dân và đơn vị vận tải có thể đăng ký nộp hồ sơ qua mạng và nhận kết quả tại nhà trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ GTVT và của tỉnh; đồng thời tiếp tục siết chặt để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn gặp một số tồn tại khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Xuất hiện tình trạng xe bỏ bến ra bên ngoài hoạt động để cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình nhưng vẫn giữ chỗ trong bến và có diễn biến ngày càng phức tạp. Một số quy định về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải có lộ trình phải thực hiện xong trong năm 2021 và năm 2022 nhưng đến nay chưa xây dựng hệ thống tiếp nhận, xử lý dữ liệu, dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải chưa chú trọng trang bị phần mềm quản lý, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Hiện nay, chỉ có hệ thống xử lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam hoạt động, tuy nhiên còn hạn chế do được xây dựng thời gian đã lâu (từ năm 2015), công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hàng tháng chưa được kịp thời, do vậy việc xử lý, chấn chỉnh vi phạm đối với đơn vị vận tải còn chậm. Hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera mới dừng lại ở bước thử nghiệm, hiện các sở GTVT đang phải theo dõi, trích xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tại Nghị định 10/2020 đã có quy định xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu, biển hiệu nhưng chưa có quy định thời gian thu hồi, hoặc sau khi thu hồi bao lâu thì mới được cấp lại, dẫn đến đơn vị bị thu hồi có thể đề nghị cấp lại ngay sau khi bị thu hồi.

Điều này làm giảm hiệu quả của công tác quản lý, không đảm bảo tính răn đe trong quá trình xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Tăng cường chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình

Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái. Một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư sửa đổi lần này là việc bổ sung quy định: Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm cung cấp tài khoản truyền dữ liệu các đơn vị vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để truyền dữ liệu; tài khoản đăng nhập vào hệ thống thông tin cho Bộ GTVT, Cục CSGT, Phòng CSGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế, hải quan khi có đề nghị bằng văn bản. Cơ quan này cũng cần cấp bổ sung hoặc cấp lại tài khoản cho các đơn vị có nhu cầu trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Dự thảo còn quy định rõ: Việc cung cấp này nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và công tác khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống buôn lậu, thuế.

Nếu dự thảo được thông qua, tới đây, CSGT cũng sẽ được khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình xe vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, so sánh đối chiếu dữ liệu nhằm xác định vi phạm của phương tiện, từ đó, đấu tranh với vi phạm, nhất là những trường hợp có dấu hiệu chây ì, không hợp tác, góp phần củng cố căn cứ, cơ sở để xử phạt.

Nói thêm về đề xuất này, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại Nghị định 47/2022, dữ liệu giám sát hành trình được sử dụng để phục vụ công tác quản lý điều hành của doanh nghiệp vận tải, phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành GTVT và phục vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của ngành Công an (trong đó có xử phạt nguội).

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/nhieu-bat-cap-trong-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-quan-ly-van-tai-i706745/