Nhiều bất cập mô hình trường học tiên tiến

Việc triển khai mô hình trường học tiên tiến, theo xu thế hội nhập ở Nghệ An thời gian qua bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây nhiều ý kiến băn khoăn.

Triển khai thiếu đồng bộ

Ngành Giáo dục Nghệ An triển khai mô hình dạy học tiên tiến theo xu hướng hội nhập trong gần 2 năm qua nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do đội ngũ giáo viên, chương trình học chưa phù hợp, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ…

Hoạt động ngoại khóa ở Trường THCS Đặng Thai Mai, một trong những trường thực hiện mô hình trường học tiên tiến trên địa bàn TP Vinh.

Ngày 18/1/2022, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án "Thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2030". Đề án với mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành cho học sinh những kỹ năng hiện đại, tư duy toàn cầu chuẩn bị cho công dân toàn cầu, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Nghệ An.

Theo đó, các trường tiên tiến ở từng cấp học, từ mầm non trở lên, sẽ có những tiêu chí cụ thể nhằm cải thiện phương pháp dạy học và tổ chức học tập phù hợp với nội dung và điều kiện của từng trường. Đặc biệt, các trường phổ thông sẽ thực hiện đổi mới cách dạy học và tổ chức học tập để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, khuyến khích tính tích cực của học sinh, phát triển phẩm chất, năng lực phát huy tính sáng tạo và sở trường. Ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm bộ môn và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sẽ được tăng cường, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn và phát triển kỹ năng và năng lực.

Ở bậc mầm non, các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Áp dụng chương trình giáo dục tăng cường nhằm phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, và kỹ năng của trẻ.

Việc triển khai mô hình trường học tiên tiến thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, sau 2 năm triển khai, hiện tại địa phương này chỉ mới thí điểm mô hình trường tiên tiến tại 14 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại các huyện Nghi Lộc, Đô Lương, thị xã Hoàng Mai và TP Vinh. Tổng cộng có 132 lớp và hơn 4.200 học sinh tham gia vào mô hình này.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh, trong quá trình triển khai mô hình trường tiên tiến gặp nhiều khó khăn. Đó là việc xây dựng chương trình tăng cường phải phù hợp với nhu cầu và mong muốn của phụ huynh và học sinh, cũng như phải điều chỉnh để phù hợp với điều kiện và khả năng tổ chức của nhà trường. "Sau một thời gian theo học, một số phụ huynh ý kiến vì có những môn học chưa phù hợp, việc thi và lấy chứng chỉ sau mỗi khóa học còn nhiều khó khăn, nhất là với Tin học và tiếng Anh", bà Hoàng Phương Thảo nói.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục TP Vinh cho rằng, dù mô hình trường tiên tiến có những đặc thù riêng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn chưa có các cơ chế ưu tiên. Các trường thực hiện mô hình tiên tiến đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Khuyến khích tiếp tục triển khai mô hình trường học mới

Ngày 7/5, tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An), về việc khảo sát triển khai Đề án trường học tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế sau 2 năm hoạt động, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về chất lượng đầu vào và đầu ra của mô hình trường tiên tiến, đặc biệt là ở cấp THPT. Nhiều trường gặp khó khăn trong việc thu hút đầu vào, công tác quản lý mô hình trường tiên tiến còn lúng túng trong vận hành các hoạt động dạy và học, quản lý thu chi, kiểm soát chất lượng...

Nhiều phụ huynh băn khoăn đây là mô hình bán công hay công lập, tuyển sinh đầu vào chưa cao so với mặt bằng chung, đội ngũ giáo viên đang thiếu.

Các ý kiến đề nghị cần thiết lập một khung chuẩn hướng dẫn để hỗ trợ các nhà trường trong thực hiện, đồng thời đạt sự thống nhất về mức thu học phí giữa các trường. Mặc dù mô hình trường tiên tiến được triển khai ở 4 cấp học nhưng vẫn chưa có sự liên kết về chất lượng, đặc biệt là giữa THCS và THPT.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành, đang triển khai thí điểm nên có những khó khăn từ nhận thức của cả nhà trường và phụ huynh. Cùng với đó, việc xây dựng chương trình, công tác dạy học tại các trường đang dạy song song nhau (chương trình giáo dục hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình tiên tiến), dẫn đến khó khăn trong quản lý và điều hành. "Mô hình mới nên việc tổ chức dạy học còn nhiều vướng mắc, đặc biệt thiếu đội ngũ giáo viên để đáp ứng được chương trình mới. Ngoài ra, do chưa có chế độ chính sách về hỗ trợ cho các trường tiên tiến nên đang thiếu sự đầu tư đồng bộ", ông Thái Văn Thành cho biết.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, ông Thái Văn Thành, cho rằng, thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh cần có cơ chế thu của trường tiên tiến để đảm bảo thu đủ hoạt động và đảm bảo chi đúng. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá lại toàn bộ việc triển khai thí điểm mô hình trường tiên tiến một cách toàn diện và từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Ngành cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến việc tuyển sinh đầu vào, cam kết đầu ra.

Sở tiếp tục chỉ đạo các trường nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức dạy và học. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-bat-cap-mo-hinh-truong-hoc-tien-tien-169240508205913176.htm