Nhiếp ảnh nghệ thuật - thú chơi chưa dành cho số đông

Số người chụp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam tăng nhanh những năm gần đây, trở thành lực lượng hùng hậu với phương tiện máy móc được đầu tư. Tuy nhiên, công chúng vẫn chưa có thói quen coi ảnh là tác phẩm nghệ thuật và chơi ảnh nghệ thuật...

Khi nhiếp ảnh chú trọng cảm xúc

“Cách đây nhiều năm, hầu như trong gia đình nào cũng có treo một ảnh lớn, trong đó là những ảnh nhỏ về người thân trong gia đình. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam, nhiếp ảnh đã được sử dụng như cách để lưu giữ hình ảnh, chân dung người thân, để lại cho thế hệ sau. Nhiếp ảnh đã được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu tâm thức, tâm lý, nhu cầu về văn hóa của người Việt” - nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc chia sẻ. Sau này, bên cạnh ảnh chân dung, còn là ảnh chụp những sự kiện, quang cảnh, lưu lại một khoảnh khắc lịch sử, mang tính báo chí. Có thể nói, ngay từ khi nhiếp ảnh ra đời cho tới nay, tính hiện thực của nhiếp ảnh luôn được đề cao, thể hiện giá trị của nhiếp ảnh.

Chơi ảnh nghệ thuật vẫn chưa dành cho số đông công chúng tại Việt Nam. Ảnh: Th. Nguyên

Hiện nay, nhiều người vẫn chụp ảnh để ghi lại lịch sử, mang tính tư liệu, thể hiện vai trò kinh điển của nhiếp ảnh. Trong các trưng bày, triển lãm hay đứng trước một bức ảnh, công chúng thường chờ đợi thông tin đằng sau bức ảnh ấy, chụp ở đâu, có sự kiện gì, nói lên điều gì. Hầu hết triển lãm ảnh được tổ chức tại Việt Nam, và gần đây là các triển lãm ảnh trong chuỗi sự kiện Nhiếp ảnh quốc tế Photo Hanoi'23, là ảnh tư liệu. Nhận định thể loại ảnh tư liệu vẫn phổ biến tại Việt Nam (so với ảnh thương mại và ảnh nghệ thuật), nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc cho rằng: “việc nhìn nhận vai trò nghệ thuật của nhiếp ảnh còn khó khăn, bởi cái hay cũng là cái dở của nhiếp ảnh là thật quá. Nhiếp ảnh chụp lại những gì có thật nên mọi người thường không suy nghĩ tới tính nghệ thuật của nó”.

Theo nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc, ảnh nghệ thuật hay tư liệu, báo chí, ảnh thương mại hay nhiếp ảnh thời trang phụ thuộc vào mục đích ra đời, sử dụng, không phụ thuộc nhiều vào chụp kỹ thuật số hay chụp phim. Cùng là chụp ảnh chân dung, nếu là ảnh báo chí có thể chụp nhân vật, nạn nhân trong một sự kiện; ảnh tư liệu có thể chụp một người dân tộc, trẻ em, người già… Tuy nhiên, chân dung ấy được sử dụng như tác phẩm nghệ thuật thì có tuyên ngôn, tư tưởng được gửi gắm trong đó. Không tập trung vào chủ thể của bức ảnh (để trả lời câu hỏi ai? cái gì?), ảnh nghệ thuật chú trọng chụp như thế nào và tại sao chụp như vậy.

“Nhiếp ảnh nghệ thuật thể hiện cảm xúc. Tác phẩm nghệ thuật thoát khỏi vai trò chuyển tải thông tin. Bởi nếu truyền tải thông tin thì ảnh xem trên điện thoại và treo trên tường như nhau. Bởi vậy, ảnh nghệ thuật thường phải tồn tại dưới dạng vật lý, với các kích thước, chất liệu khác nhau…”, nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc nói.

Chưa có văn hóa chơi ảnh

Theo dõi ảnh nghệ thuật trong hơn 20 năm qua, bà Dương Thu Hằng - chủ sở hữu Hanoi Studio Gallery nhận định, những năm gần đây, lực lượng và phong trào chụp ảnh nghệ thuật khá hùng hậu, đã có những người yêu nghệ thuật quan tâm tạo ra các sản phẩm văn hóa như sách ảnh nghệ thuật trở thành quà tặng, cách quảng bá văn hóa, đất nước. Tuy nhiên, nếu thế giới có các hội chợ về nhiếp ảnh nghệ thuật, việc mua bán ảnh nghệ thuật diễn ra phổ biến, thì tại Việt Nam dường như chưa có công chúng mua ảnh nghệ thuật, chưa có văn hóa chơi ảnh.

Vấn đề nổi cộm được nhiều người trong ngành chỉ ra là bản quyền - rào cản khiến thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật khó phát triển. Không ít tổ chức, cá nhân xin ảnh tác giả để sử dụng, thậm chí tự ý lấy trên mạng rồi vô tư dùng cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, hay trang trí ở gia đình, trụ sở công ty, cơ quan; hay lấy ảnh vẽ lại thành tranh… Mặt khác, trong khi hội họa là độc bản, nhiếp ảnh lại là nhân bản. Sự khác nhau này làm các tác phẩm nhiếp ảnh khó đẩy cao chất lượng.

Trong bối cảnh hầu hết mọi người ở Việt Nam vẫn coi ảnh là tư liệu thì ảnh không thể bán với giá của tác phẩm nghệ thuật! Hiện nay ở Hà Nội có một vài gallery ảnh kinh doanh lẫn với các mặt hàng lưu niệm cho du khách, đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh được mua bán dưới dạng đồ lưu niệm.

Để phát triển thị trường ảnh nghệ thuật, cùng với nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền, việc có các thiết chế chuyên nghiệp như gallery, hội chợ nghệ thuật, festival chuyên nghiệp là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, những người làm nghề phải có ý thức để lại dấu ấn cá nhân với nghệ thuật nhiếp ảnh, có nhiều bứt phá hơn nữa trong sáng tạo và hoạt động. Ngoài sáng tác nghệ thuật, để bán được ảnh, nghệ sĩ còn cần tập trung quảng bá và xây dựng danh tiếng, thương hiệu… để tác phẩm của họ được giới sưu tập mua và có trị giá tăng lên theo thời gian.

Bà Dương Thu Hằng cho rằng, con đường phát triển của ảnh nghệ thuật khá gian nan nhưng chắc chắn xã hội phát triển, số người chơi sẽ nhiều lên. “Chúng ta mất nhiều chục năm bán tranh cho người nước ngoài, rất lâu người Việt mới mua tranh, chắc hẳn cũng mất nhiều thời gian để người Việt Nam quan tâm đến ảnh nghệ thuật và chơi ảnh. Các sự kiện như Photo Hanoi'23 là cơ hội lớn quảng bá ảnh nghệ thuật đến công chúng, nhưng đây vẫn là câu chuyện dài hơi, cần nhiều sự quan tâm, lan tỏa hơn nữa”.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nhiep-anh-nghe-thuat---thu-choi-chua-danh-cho-so-dong-i328784/