Nhiếp ảnh gia và những bài phỏng vấn vượt thời gian

Chuyện những nhiếp ảnh gia 'lấn sân' sang những lĩnh vực trái ngành, nghề không phải là điều lạ. Có người viết văn, làm thơ, làm báo; có người vẽ tranh; có người sáng tác nhạc ca hát… Giữa một rừng đồng nghiệp thích chơi 'kèo trái' như vậy, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long nổi lên với một dự án cá nhân mang tên 'Phỏng vấn nhân vật 3 miền'.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đang trao đổi cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về một số chuyên mục trong ấn phẩm Viết & Đọc. Từ trái qua: dịch giả Nguyễn Chí Hoan, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn - nhà báo Yên Ba.

“Đánh thức” khối tư liệu đã “ngủ yên” gần 2 thập kỷ

“Phỏng vấn nhân vật 3 miền” là dự án tập hợp 330 bài phỏng vấn thực hiện với khoảng 300 nhân sỹ ở nhiều lĩnh vực như văn thơ, nhạc, họa, sân khấu, điện ảnh, nghiên cứu, phê bình. Trong đó, có nhiều cái tên nổi bật như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Dương Tường, Lê Lựu, Lê Thiết Cương, Phan Cẩm Thượng…

Với dự án này, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long xuất hiện với một “vai” khác hoàn toàn: Người thu thập, nghiên cứu và lưu giữ những tư liệu quý giá về các văn, nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam.

Dự án được triển khai vào tháng 1/2003 và kết thúc vào tháng 10/2006. Sau khi để kho tư liệu ấy “ngủ yên” suốt gần 20 năm, đầu năm 2021, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã tặng lại toàn bộ các phỏng vấn đó cho ấn phẩm Viết & Đọc (một loại sách xuất bản định kỳ, theo từng chuyên đề của Hội Nhà văn Việt Nam) để công bố trước công chúng.

“Tôi làm vậy vì sự nể trọng và quý mến đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bởi những điều anh đã làm được cho văn học – nghệ thuật nói riêng và cho cuộc sống nói chung. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến thời điểm thích hợp để truyền tải đến bạn đọc những câu chuyện thú vị, được thể hiện một cách công phu, cầu toàn bởi rất nhiều người có trình độ”, ông Long nói.

Sau khi tự lên danh sách các nhân vật cần phỏng vấn, Dương Minh Long đã liên hệ với hơn 40 nhà báo và cây bút chuyên nghiệp khác rồi cùng họ bàn luận, trao đổi về kịch bản và nội dung cho từng cuộc phỏng vấn.

Chẳng hạn như nhà văn – nhà báo Yên Ba, nhà báo Dương Phương Vinh, nhà báo Lê Mỹ Ý, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha… Họ sẽ thay ông trực tiếp phỏng vấn các nhân vật.

Nhiều nhân vật được nhiều người khác nhau phỏng vấn ở những thời điểm khác nhau với cách khai thác khác nhau, để họ hiện lên một cách đầy đủ nhất về tính cách và những quan điểm về nghề nghiệp, cuộc sống. Toàn bộ kinh phí dành cho người trả lời phỏng vấn và người thực hiện phỏng vấn đều do nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tự chi trả.

Nhà văn, nhà báo Yên Ba cho biết, trong quá trình thực hiện những cuộc đối thoại với các văn nghệ sĩ theo đề nghị của nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, ông luôn học được một điều gì đó qua mỗi cuộc đối thoại. “Nói cách khác, tôi đã tham dự vào một khóa học đặc biệt mà tôi là học viên duy nhất, Dương Minh Long là người tổ chức lớp. Những bài phỏng vấn trong dự án là khóa luận tốt nghiệp của tôi”.

“Những người thầy không giảng đường”

Khi lần đầu biết đến dự án “Phỏng vấn nhân vật 3 miền”, chắc hẳn sẽ có người thắc mắc, tác giả để gần 2 thập kỷ mới công bố liệu có muộn không?

Chắc chắn là không. Vì nội dung các bài phỏng vấn không chạy theo những sự kiện mang tính “mì ăn liền” hay xoáy vào những chuyện đời tư để kích thích sự tò mò, mà tập trung vào những quan điểm của họ về văn hóa - nghệ thuật và sâu xa hơn là những triết lý về nhân sinh.

Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhận xét: “Có những người được phỏng vấn đã trở thành người thiên cổ. Với những người còn sống thì gần 20 năm trôi qua cũng là một thay đổi lớn lao về mọi mặt trong cuộc đời của họ. Nhưng những gì họ nói cách đây gần 20 năm không thuộc về quá khứ. Mọi sự thật luôn thuộc về hiện tại”.

Chẳng hạn như quan điểm của nhà văn Lê Lựu về cái cần nhất của một tác phẩm văn học có giá trị: “Nói gì thì nói, tư cách cá nhân của nhà văn vẫn là số một… Đừng làm kẻ phản bội dân tộc anh, đất nước anh, bà con, đồng đội anh… Khi anh thấy công việc của mình đưa lại hạnh phúc cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho mọi người…”.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long tại Hội An năm 2021.

Hay cái nhìn của nhà văn Hồ Anh Thái về sự học: “Các cụ nhà mình nói rất đúng là “khổ học”!...

Nếu có sẵn những cái để tiêu xài, ăn chơi thì khó mà chí thú học hành và khi đã sa đà vào những thú vui dễ dãi rồi thì học làm sao được!...”.

Và quan điểm của họa sĩ Lê Thiết Cương về chữ “danh”: “Danh là điều đến do sự đưa đẩy, không thể do anh thích hay không thích được. Tôi đọc Kinh dịch và nghiệm ra một điều: Ta không có quyền can thiệp vào lẽ đó, chỉ có điều nên biết sống như thế nào”.

“Tôi nhận ra rằng những văn nghệ sĩ chính là những tinh hoa trí thức của đất nước. Họ không ngừng lao động, sáng tạo để bồi đắp vào lớp trầm tích văn hóa của dân tộc bằng tác phẩm của mình. Với riêng tôi, họ là những “người thầy không giảng đường”.

Tôi đã học được cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống qua những câu chuyện đời, chuyện nghề của họ. Vì vậy, tôi muốn có những cuộc đối thoại trung thực nhất với họ để có thể hình dung ra diện mạo văn hóa của nước ta trong một thời có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, xã hội”, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đang biên tập các tấm phim tư liệu trong văn phòng làm việc tại Hội An 2022.

Mong chờ những bước chân tiếp nối

Để có những bài phỏng vấn “vượt thời gian” ấy, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long đã đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe. Những người tham gia đối thoại phải là những gương mặt nổi trội, có những đóng góp tương đối nổi bật vào nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Ông không thích những người chỉ biết “chém gió” ào ào mà đóng góp chẳng là bao, bởi ông quan niệm muốn nói được trước hết phải làm được.

Sau cùng, các cuộc phỏng vấn phải trung thực tối đa. Những gì nhân vật nói phải được giữ nguyên vẹn, không được cắt xén, biên tập hay chỉnh sửa, không giới hạn dung lượng.

Dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình thực hiện dự án vẫn gặp nhiều khó khăn.

“Một số nhân vật kiên quyết không nhận trả lời phỏng vấn, điển hình như một nhà văn nữ rất nổi tiếng. Không phải chị ấy ngại bày tỏ chính kiến của mình, mà là chị không có thói quen xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Long cho biết.

“Đa số tư liệu phải sau rất nhiều năm tôi mới xử lý, biên tập được. Vấn đề tiền bạc cũng là thử thách không nhỏ. Từ năm 1997, tôi dành phần lớn thời gian đi chụp thuê, chụp mướn, làm từ những việc lặt vặt đến các dự án quảng cáo lớn, liên tục gần 5 năm mới đủ kinh phí thực hiện dự án”.

Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long sinh năm 1962 tại Hà Nội. Trong quá trình làm nghề, ông đã chụp khoảng 1.700 nhân vật thuộc các lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…, trong đó nổi bật nhất là hơn 10.000 bức ảnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ năm 1984 đến nay, ông đã thực hiện 18 triển lãm ảnh cá nhân trong nước và 24 triển lãm tại nước ngoài.

Tính đến nay, đã có khoảng 20 bài phỏng vấn trong dự án được công bố trên ấn phẩm Viết & Đọc.

Theo ông Long, nếu tiếp tục nhận được những phản hồi tích cực, ông sẽ nghĩ đến việc in tất cả các bài phỏng vấn thành một tập sách. Nhưng điều ông mong chờ hơn cả đó là thế hệ sau sẽ tiếp nối bước chân của mình bằng những dự án tương tự, vì thời nào cũng có những văn, nghệ sĩ đại diện cho thời đại đó.

“Các bạn có thể tham khảo cách làm của tôi, nhưng không cần phải làm giống hoàn toàn. Điều cốt lõi là phải chọn được những người tham gia đối thoại phù hợp ở cả hai chiều: thực hiện phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, rồi tổ chức triển khai thành công các ý tưởng. Nhiều khi ý tưởng chỉ có giá 10 đô-la, nhưng để thực hiện có khi tốn cả triệu đô-la, đó mới là vấn đề!”, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chia sẻ.

Việt Khôi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhiep-anh-gia-va-nhung-bai-phong-van-vuot-thoi-gian-post1606711.tpo