Nhiên liệu tăng giá gây áp lực cho sản xuất và tiêu dùng

Tại kỳ điều hành thị trường xăng, dầu gần đây nhất (26/10/2021), liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng, lên 23.110 đồng/lít; giá xăng RON 95 tăng 1.459 đồng, lên 24.338 đồng/lít. Tại tỉnh Lào Cai, do phải cộng thêm chi phí vận chuyển nên giá xăng, dầu do Công ty Xăng dầu Lào Cai niêm yết bán ở mức 23.570 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92; 24.910 đồng/lít đối với xăng RON 95 và từ 19.080 đồng đến 19.440 đồng/lít đối với dầu diezen tùy loại. Giá xăng, dầu tăng mạnh thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Giá xăng dầu tăng mạnh gây khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Là đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hãng taxi Mai Linh gặp không ít khó khăn bởi lượng khách hàng giảm, nhiều thời điểm phải dừng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội. Giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi vừa hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh.

Ông Ngụy Văn Vịnh, Giám đốc Chi nhánh taxi Mai Linh Lào Cai cho biết: Đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, việc xăng, dầu tăng giá trong thời điểm này càng khiến khó khăn chồng chất, 4 đợt dịch Covid-19 liên tiếp khiến lượng khách giảm mạnh, doanh thu giảm 80% - 90% so với trước khi xảy ra dịch. Trước diễn biến khó lường của giá nhiên liệu, chúng tôi phải tính toán đến việc tăng giá cước để bù lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá cước sẽ khiến người tiêu dùng cân nhắc khi sử dụng dịch vụ.

Không chỉ các đơn vị kinh doanh, ngay cả người dân cũng gặp khó khi giá xăng, dầu tăng. Chị Hoàng Thanh Huyền ở thành phố Lào Cai chia sẻ: Từ tháng 1 năm 2021 đến nay, tôi lo lắng khi thấy giá xăng tăng từ mốc hơn 17.000 đồng/lít lên hơn 24.000 đồng/lít. Gia đình tôi có 1 ô tô và 2 xe máy, do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nên mỗi tháng chi phí xăng tăng hơn 1 triệu đồng so với đầu năm. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu cũng như thu nhập của gia đình tôi. Chưa kể khi xăng tăng giá, các mặt hàng khác cũng thường tăng theo khiến cuộc sống ngày càng khó khăn.

Bên cạnh mặt hàng xăng, dầu, giá bán lẻ gas trong nước cũng tiếp tục tăng lần thứ 9 trong năm với mức hơn 1.400 đồng/kg gas, tương đương khoảng 20.000 đồng đối với bình 12 kg. Hiện nay, trên thị trường Lào Cai, giá bán lẻ gas loại bình 12 kg được các cửa hàng phân phối ở mức dao động từ 450.000 đến 480.000 đồng/bình tùy thương hiệu.

Giá gas cũng tăng kỷ lục từ đầu tháng 11.

Ông Cao Tuấn Trương, đại diện Cửa hàng Gas Phương Ly, thành phố Lào Cai cho biết: Nguyên nhân chính khiến giá gas tăng là do giá gas trên thị trường thế giới tăng, bắt buộc các đầu mối phân phối phải điều chỉnh theo để duy trì kinh doanh. Ngoài ra, tỷ giá giữa USD và VND thay đổi cũng tác động đến giá gas tại thị trường trong nước. Đối với tỉnh Lào Cai, ngoài giá cả tăng theo thị trường trong nước thì nguồn cung cấp gas cho các nhà phân phối, cửa hàng cũng hạn chế do khâu phân phối và vận chuyển bị ảnh hưởng.

Có thể thấy, giá các loại nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và tiêu dùng bởi đây là hàng hóa thiết yếu, được sử dụng trong nhiều khâu từ sản xuất, kinh doanh, vận chuyển đến tiêu dùng. Đặc biệt, người tiêu dùng là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nằm ở cuối chuỗi cung ứng.

Thạc sỹ Nguyễn Thành Luân, Phó Trưởng bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế - Du lịch, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: Giá nhiên liệu tăng mạnh trước mắt sẽ tác động đến tâm lý, hành vi, thói quen của người tiêu dùng, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, gây áp lực tiêu cực lên nền kinh tế. Chắc chắn giá nhiên liệu tăng sẽ khiến các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải tăng giá sản phẩm theo, chuỗi cung ứng tiêu dùng bị ảnh hưởng. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Đây là áp lực đối với nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch.

Cũng theo Thạc sỹ Luân, nhiều người dân cho rằng hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu hiện nay chưa hiệu quả bởi giải pháp bình ổn bằng tài chính khó theo kịp diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường thế giới. Trong khi đó, thị trường nhiên liệu trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ nguồn cung thị trường quốc tế. Hy vọng thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra các giải pháp cân đối, bình ổn thị trường, lập quỹ dự trữ xăng, dầu hoặc quỹ hỗ trợ các đối tượng yếu thế do tác động tiêu cực của thị trường... từ đó bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349373-nhien-lieu-tang-gia-gay-ap-luc-cho-san-xuat-va-tieu-dung