Nhiễm siêu vi viêm gan B khi đang mang thai, phải làm sao?

Bạn đọc HUỲNH HƯƠNG (ngụ TP HCM) hỏi: Tôi có thai được 4 tháng, làm xét nghiệm thì phát hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, làm sao để không lây truyền sang con?

Bác sĩ LÊ MẠNH HÙNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trả lời: Lây truyền siêu vi viêm gan B từ mẹ sang con là đường lây quan trọng. Khoảng 95% đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi viên gan B sẽ bị lây truyền từ mẹ nếu không được áp dụng bất kỳ biện pháp dự phòng nào. Trẻ sinh ra nhiễm siêu vi viêm gan B từ mẹ có thể mang siêu vi này suốt đời, bệnh sẽ bùng phát trong giai đoạn trẻ trưởng thành. Trên thế giới và Việt Nam đã cập nhật và đưa ra chương trình để dự phòng lây truyền siêu vi viêm gan B từ mẹ sang con, đã đạt được kết quả cao.

Một người bị nhiễm siêu vi viêm gan B gần như không có triệu chứng gì để cảnh báo, chỉ phát hiện bệnh bằng xét nghiệm máu. Việt Nam là quốc gia có người nhiễm siêu vi viêm gan B cao. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo tất cả người dân nên đi tầm soát bệnh để có biện pháp dự phòng hữu hiệu, nhất là phụ nữ trong tuổi sinh đẻ.

Nếu bạn bị nhiễm siêu vi viêm gan B, nên đến các cơ sở chuyên khoa gan để xem xét tiếp tục theo dõi hay điều trị. Tại đây, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm siêu vi viêm gan B cho con với mục đích an toàn cho mẹ, tránh lây nhiễm cho con.

Về điều trị, nếu thai phụ được chẩn đoán bị viêm gan siêu vi B mạn tính sẽ được bác sĩ điều trị với Tenofovir 1 viên/ngày. Đây là thuốc điều trị viêm gan siêu vi B duy nhất cho thai phụ, nó cũng có tác dụng điều trị dự phòng cho con. Thời gian điều trị trong trường hợp này là lâu dài, có trường hợp phải điều trị suốt đời.

Nếu thai phụ có nhiễm siêu vi viêm gan B nhưng chưa tiến triển viêm gan, bác sĩ sẽ theo dõi, làm xét nghiệm định lượng siêu vi B và đưa ra lộ trình điều trị phù hợp bằng thuốc Tenofovir.

Với những trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi viêm gan B thì phải được tiêm ngừa trong vòng 24 giờ sau sinh với 2 loại thuốc là huyết thanh kháng viêm gan B (HBIG) và vắc-xin ngừa viêm gan B. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm đầy đủ các loại vắc-xin viêm gan B theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ được hơn 12 tháng tuổi, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để làm xét nghiệm HBsAg và anti HBs để đánh giá tình trạng nhiễm siêu vi B của trẻ.

Nếu áp dụng các biện pháp phòng ngừa như trên thì khả năng bảo vệ cho trẻ không nhiễm siêu vi B từ mẹ là rất cao.

Nguyễn Thuận ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/nhiem-sieu-vi-viem-gan-b-khi-dang-mang-thai-phai-lam-sao-20230731210009836.htm