Nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm vì ăn cá sống và thịt rắn tươi

Ông Khổng, đến từ Chiết Giang (Trung Quốc), nhập viện trong tình trạng sốt, ho. Các bác sĩ phát hiện người đàn ông nhiễm cùng lúc hai loại ký sinh trùng nguy hiểm.

Súp rắn là món ăn được nhiều người dân Trung Quốc yêu thích. Ảnh minh họa: Shutterstock.

"Đây là lần thứ ba tôi bị sốt trong tháng này. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với mình nữa", ông Khổng nói với bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Chiết Giang, theo QQ.

Theo bệnh nhân, ngoài triệu chứng sốt, ông còn thi thoảng bị ho. Vì vậy, ông luôn cho rằng bản thân bị cúm.

Sau hàng loạt kiểm tra, ông Khổng được phát hiện có lượng bạch cầu ái toan cao gấp 40 lần người bình thường. Bác sĩ Vương Chiết Hoa nghi ngờ ông mắc bệnh liên quan đến nhiễm ký sinh trùng. Khi được hỏi gần đây có ăn loại thực phẩm lạ nào không, ông Khổng phủ nhận.

Đến khi nhập viện điều trị, ông Khổng mới nhớ ra từng ăn 2 món đặc sản là cá sống Yusheng và thịt rắn tươi trong lúc đến Quảng Châu (Trung Quốc) công tác vào tháng 11/2023.

Sau khi nghe thông tin này, bác sĩ Vương Chiết Hoa lập tức cho bệnh nhân làm kiểm tra ký sinh trùng và gửi mẫu bệnh phẩm đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) tỉnh Chiết Giang để xét nghiệm.

Báo cáo xét nghiệm cho thấy kháng thể lưu hành với Sparganum Mansoni và kháng thể lưu hành với Clonorchis Sinensis của ông Khổng đều dương tính. Nói cách khác, bệnh nhân bị nhiễm hai loại ký sinh trùng là Sparganoma mansoni (ấu trùng sán nhái) và Clonorchis Sinensis (sán lá gan).

Kết quả CT bụng trên cũng phát hiện ông Khổng bị tổn thương gan, chức năng gan bất thường.

Theo bác sĩ Vương Chiết Hoa, sán lá gan có thể ký sinh trong ống mật và túi mật của con người. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể nếu người ăn phải sashimi bị nhiễm sán lá gan.

Trong khi ấu trùng sán nhái Sparganum Mansoni chủ yếu ký sinh trên rắn, lươn, chạch. Thời gian ủ bệnh ở bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán nhái qua đường tiêu hóa rất dài, thường từ một đến vài năm.

Về trường hợp ông Khổng, sau khi điều trị bằng thuốc chuyên dụng, nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân trở lại bình thường và được xuất viện. Tuy nhiên, ông vẫn phải đến bệnh viện tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Theo bác sĩ Từ Tiểu Vy, những năm gần đây, tỉnh Chiết Giang tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp nhiễm ký sinh trùng, chủ yếu là do ăn cá, tôm, cua sống nước ngọt có chứa vi khuẩn, ấu trùng gây bệnh.

Trước đó, đơn vị này tiếp nhận nữ bệnh nhân 40 tuổi, bị sốt và tăng bạch cầu ái toan sau khi ăn tôm sống. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị bệnh do nhiễm ấu trùng sán nhái.

Trường hợp khác là người đàn ông nhập viện do sốt, động kinh và có lượng bạch cầu ái toan tăng cao. Người này từng ăn món ếch xào lăn chưa chín. Sau khi khám, anh được chẩn đoán mắc bệnh ấu trùng sán nhái ký sinh não.

Bác sĩ Từ Tiểu Vy nhắc nhở mọi người cần lưu ý những điều dưới đây khi tiếp xúc với thực phẩm sống:

Mua thực phẩm tươi sống đã qua kiểm dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không mua thực phẩm tươi sống như cá, tôm, cua, ếch... không rõ nguồn gốc.
Nước tương, wasabi, rượu trắng không thể tiêu diệt ký sinh trùng. Cách tiêu diệt ký sinh trùng hiệu quả nhất là nấu chín, nấu sôi.

Thực phẩm sống và chín phải được để riêng biệt kể cả trong khâu bảo quản hay cắt thái để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn, ký sinh trùng giữa thực phẩm sống và chín.

Các dụng cụ sống và chín như dao, thớt, bát, đĩa nên được sử dụng riêng biệt và không được dùng chung. Các mặt hàng thực phẩm sống phải được rửa sạch và nấu chín kỹ trước khi sử dụng.

Hảo Hảo

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhiem-ky-sinh-trung-nguy-hiem-vi-an-ca-song-va-thit-ran-tuoi-post1461901.html