Nhặt được của rơi, đòi tiền chuộc có vi phạm pháp luật?

Người nhặt được của rơi cố tình không trả còn đòi tiền chuộc có thể sẽ phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản.

Bạn tôi có nhặt được tài sản của người khác, trong tài sản có số điện thoại của chủ nhân tài sản đó. Bạn tôi dự định sẽ gọi cho chủ tài sản yêu cầu đưa tiền chuộc để trả lại tài sản nhặt được. Tôi có khuyên nhưng bạn tôi không nghe.

Xin hỏi, nhặt được của rơi cố tình không trả, sau đó đòi tiền chuộc có vi phạm pháp luật không?

Bạn đọc NTTQ (TP.HCM)

 Nhặt được của rơi cố tình không trả còn đòi tiền chuộc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: HUỲNH THƠ

Nhặt được của rơi cố tình không trả còn đòi tiền chuộc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: HUỲNH THƠ

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời: Người nào nhặt được tài sản của người khác bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại cho người đó.

Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Trường hợp nhặt được tài sản của người khác mà không hoàn trả có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Người phạm tội còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép do thực hiện hành vi vi phạm (theo Điều 15 Nghị định 144).

Trường hợp người nhặt được của rơi cố tình không trả, chiếm giữ tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu về Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Theo đó, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Đối với hành vi đòi tiền chuộc sau khi nhặt được tài sản bị đánh rơi, qua quá trình điều tra xác minh, nếu có đủ căn cứ người vi phạm còn có thể bị truy cứu về Tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS 2015, cụ thể:

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Khung phạt cao nhất cho tội này đến 20 năm tù khi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhat-duoc-cua-roi-doi-tien-chuoc-co-vi-pham-phap-luat-post789970.html