Nhật Bản xem xét đơn giản hóa cách thức ứng phó với COVID-19

Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới trung tâm y tế ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các nguồn thạo tin ngày 26/8 cho biết Nhật Bản đang xem xét đơn giản hóa cách thức ứng phó với virus SARS-CoV-2, theo đó có thể coi virus này như cúm mùa.

Theo các nguồn tin trên, trong cuộc thử nghiệm, có thể bắt đầu vào giữa tháng 9, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch chọn một số cơ sở y tế và yêu cầu các cơ sở này thông báo ca mắc. Điều này sẽ mở đường cho việc thay đổi cách báo cáo hiện nay về tất cả các trường hợp được xác định nhiễm bệnh.

Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ thay đổi hệ thống báo cáo COVID-19 chi tiết. Tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã công bố kế hoạch cho phép các tỉnh, thành chỉ hướng tới mục tiêu là người cao tuổi và những người có nguy cơ diễn tiến nặng, trong khi duy trì báo cáo tổng số ca nhiễm hàng ngày.

Những thay đổi này là một phần trong nỗ lực giảm gánh nặng cho các bệnh viện và trung tâm y tế địa phương do sự lây lan của biến thể Omicron. Trước đó, giới chuyên gia cũng kêu gọi chính phủ hạ cấp ứng phó với virus SARS-CoV-2 tương tự như cúm mùa và có cách tiếp cận linh hoạt hơn để vừa có thể ngăn chặn sự lây lan của virus, vừa cân bằng các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thống kê cho thấy ngày 26/8, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 192.000 ca mắc COVID-19. Thủ đô Tokyo có 18.423 ca nhiễm mới, giảm khoảng 9.200 ca so với một tuần trước đó.

Tại Indonesia, ngày 26/8, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) - bà Penny Lukito cho biết nhiều khả năng 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 do nước này phát triển sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong tháng 9.

Phát biểu tại Hội thảo phát triển thuốc nội địa, bà Lukito nêu rõ 2 loại vắc xin trên đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối và đã được Tổng thống Joko Widodo đặt tên lIndovac và Inavec. Với nền tảng protein tái tổ hợp, Indovac do Viện sinh học phân tử Eijkman phối hợp với công ty dược phẩm quốc gia PT Bio Farma và Đại học Y Baylor (Mỹ) phát triển trong khuôn khổ chương trình của Bộ Doanh nghiệp Nhà nước (BUMN).

Trong khi đó, Inavec dựa trên nền tảng virus bất hoạt và được Đại học Airlangga (Unair) phối hợp với công ty PT Biotis Pharmaceutical Indonesia phát triển. Theo bà Lukito, cả 2 loại vắc xin này đều đã vượt qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với kết quả tốt, có khả năng cải thiện hệ thống miễn dịch và kết quả không thua kém các loại vắc xin cùng công nghệ đã được BPOM cấp EUA.

Bà Lukito cho biết BPOM đang tiến hành xem xét các báo cáo nghiên cứu về hàng nghìn đối tượng được tiêm mũi thứ 2 bằng các loại vắc xin này, với kỳ vọng rằng các loại vắc xin này sẽ được cấp EUA trong tháng tới và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng theo bà Lukito, ngoài cấp phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với Indovac và Inavec, BPOM cũng đã phê duyệt kế hoạch thử nghiệm lâm sàng tiêm tăng cường 2 loại vắc xin nội địa vào cuối năm nay.

Tại Anh, ngày 26/8, Cơ quan quản lý dược phẩm Anh (MHRA) đã cấp phép sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Novavax cho nhóm từ 12-17 tuổi.

Giám đốc điều hành MHRA, Tiến sĩ June Raine, cho biết quyết định cấp phép sử dụng vắc xin Nuvaxovid được MHRA đưa ra sau khi cơ quan trên đánh giá độ an toàn, chất lượng và hiệu quả của vắc xin với độ tuổi từ 12-17 và dựa trên các ý kiến chuyên gia của cơ quan cố vấn độc lập của chính phủ. Ngoài ra, các loại vắc xin mRNA của Moderna và Pfizer/BioNTech cũng đã được MHRA cấp phép sử dụng ở nhóm tuổi trên.

Trong diễn biến khác, Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ đang kiện Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) của họ vi phạm bằng sáng chế trong quá trình phát triển vắc xin ngừa COVID-19, cáo buộc các công ty này sao chép công nghệ mà Moderna đã phát triển từ nhiều năm trước khi đại dịch bùng phát.

Trong thông báo ngày 26/8, Moderna cho biết đã đệ đơn kiện Pfizer và BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở bang Massachusetts (Mỹ) và Tòa án khu vực Dusseldorf (Đức). Theo Giám đốc điều hành Stephane Bancel, Moderna khởi kiện để bảo vệ quyền sở hữu công nghệ mRNA mà công ty này đã đầu tư hàng tỉ USD để phát triển và được cấp bằng sáng chế từ 10 năm trước khi xảy ra COVID-19.

Moderna và Pfizer/BioNTech là 2 trong số những công ty công nghệ sinh học đầu tiên phát triển vắc xin ngừa COVID-19. Tháng 12/2020, vắc xin của Pfizer/BioNTech đã trở thành vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp ở nước này. Vắc xin của Moderna được cấp phép 1 tuần sau đó.

Hãng Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, nhiều năm trước khi COVID-19 xuất hiện và lây lan trên toàn cầu.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cam kết không giữ độc quyền các sáng chế liên quan đến vắc xin ngừa COVID-19 để hỗ trợ những công ty khác tự phát triển vắc xin. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, Moderna cho biết họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của hãng. Moderna cũng cho biết sẽ không yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bất kỳ hoạt động phát triển vắc xin nào được thực hiện trước ngày 8/3 vừa qua.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/284363/nhat-ban-xem-xet-don-gian-hoa-cach-thuc-ung-pho-voi-covid-19.html