Nhật Bản xây dựng chính sách hỗ trợ công ty cỡ trung

Các công ty cỡ vừa ở Nhật Bản sẽ có thêm hỗ trợ, ưu đãi về thuế trong khuôn khổ pháp lý mà Nhật Bản đang chuẩn bị xây dựng. Nhật Bản sẽ học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc và Đài Loan trong việc nuôi dưỡng và hình thành các doanh nghiệp cỡ vừa, có sức cạnh tranh cao, mang lại sức bật tốt cho nền kinh tế.

Nhật Bản đang tìm cách xây dựng khuôn khổ pháp lý mới để hỗ trợ cho doanh nghiệp cỡ trung từ 300-2.000 nhân viên. Đồ họa: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, cách phân loại cứng nhắc doanh nghiệp dựa trên quy mô vốn và số lượng nhân viên tại Nhật Bản đã bỏ quên nhóm công ty quy mô vừa.

Theo định nghĩa ở Nhật Bản, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là số công ty có quy mô nhỏ, có vốn lên đến 300 triệu yen hoặc có tối đa là 300 lao động, nếu trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp nhỏ được hưởng các khoản trợ cấp và giảm thuế. Thông thường, các địa phương sẽ áp đủ các sắc thuế với các doanh nghiệp có vốn trên 100 triệu yen (660.000 đô la).

Doanh nghiệp “không chịu lớn”

Đối với nhiều người, cách phân loại như trên đã loại bỏ động lực mở rộng quy mô hay phát triển công ty. Việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp quy mô trung bình trong các lĩnh vực chiến lược gặp nhiều khó khăn do chính sách ưu đãi chưa hợp lý ở Nhật Bản. Vô hình trung, nhiều công ty lớn hơn có thói quen “không chịu lớn”, giảm quy mô vốn để bớt đóng thuế, được hưởng các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ.

Trong cuộc cải cách thuế tài khóa 2024, chính phủ đã quyết định mở rộng phạm vi đánh thuế để bao gồm các doanh nghiệp có tổng vốn cổ phần và thặng dư vốn trên 1 tỉ yen.

Thuế dựa trên quy mô thường đánh vào quy mô kinh doanh của công ty, chẳng hạn như giá trị gia tăng và vốn, chứ không phải trên quy mô lợi nhuận. Quy định này được ban hành trong năm tài chính 2024 (bắt đầu từ ngày 1-4 vừa rồi) nhằm ổn định nguồn thu thuế của chính quyền địa phương. Đây cũng là cách làm cho nguồn ngân sách ít bị ảnh hưởng hơn, trước những thay đổi về điều kiện kinh tế có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 triệu yen đang giảm dần. Trong năm tài chính 2021, số lượng các công ty này còn hơn 700.000 công ty, giảm hơn 30% so với năm cao điểm của năm tài chính 2006 với gần 1,2 triệu công ty. Trong giai đoạn này, số công ty có vốn trên 100 triệu yen trên tổng số doanh nghiệp đã giảm từ 1,18% xuống 0,72%, theo Bộ Nội vụ và truyền thông. Tức doanh nghiệp Nhật thích quy mô nhỏ, không thích lớn.

Nếu được phân loại là SME hay siêu nhỏ, doanh nghiệp Nhật được hưởng nhiều lợi ích. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và kích thích nền kinh tế, chính phủ đã cho vay nhiều gói hỗ trợ, lãi suất hầu như bằng không và không cần tài sản thế chấp. Hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ được vay các gói này.

Học hỏi mô hình của láng giềng

Trang Nikkei Asia phân tích rằng Hàn Quốc và Đài Loan thành công hơn và đi trước Nhật Bản trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp quy mô trung bình, có khả năng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn. Các công ty cỡ vừa trở thành tàu kéo chính cho đầu tư và tăng trưởng.

Hàn Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô trung bình trong các lĩnh vực cốt lõi như chất bán dẫn, màn hình và năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo. Chính phủ nước này muốn tăng số lượng công ty cỡ vừa từ 5.500 công ty trong năm 2021 lên 10.000 trong năm 2030, nâng kim ngạch xuất khẩu của nhóm công ty này từ 110 tỉ đô la lên 200 tỉ đô la.

Đài Loan đã vạch ra một kế hoạch từ hơn 10 năm trước để thúc đẩy sự phát triển của các công ty cỡ vừa, cung cấp các ưu đãi cho các dự án nghiên cứu và phát triển cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Đài Loan chỉ mất hai năm để hoàn thành mục tiêu mà họ đặt ra trong ba năm là tạo ra 10.000 việc làm và thu hút đầu tư trị giá 100 tỉ Tân Đài tệ (3,11 tỉ đô la).

Nhật Bản hiện đang cố gắng học tập mô hình của hai nền kinh tế tiên tiến ở Đông Á.

Chính phủ đang có sự thay đổi chính sách nhằm thúc đẩy các công ty cỡ vừa có khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực chiến lược. Hôm 5-4, Hạ viện Nhật Bản bắt đầu xem xét khuôn khổ pháp lý dành cho doanh nghiệp cỡ trung, có từ hơn 300-2.000 nhân sự, với nhiều điều kiện được giảm thuế và các ưu đãi khác. Hiện tại, những doanh nghiệp cỡ trung được xếp cùng nhóm với các tập đoàn lớn như Toyota Motor và chịu các sắc thuế tương tự.

Các thay đổi này phản ánh nỗ lực của Nhật Bản trong việc học tập và nỗ lực bắt kịp các láng giềng như Hàn Quốc và Đài Loan trong việc hỗ trợ và tạo sức bật cho các công ty cỡ vừa trong nhiều thập niên qua.

Các công ty hàng đầu của Nhật Bản có xu hướng tập trung đầu tư ra nước ngoài. Một số chuyên gia cho rằng các công ty cỡ vừa sẽ chi tiêu nhiều hơn ở trong nước, giúp cho nhiều công ty nhỏ mở rộng quy mô.

Theo Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp (METI), chi tiêu vốn trong nước của các công ty cỡ vừa có tới 2.000 nhân viên đã tăng 1.500 tỉ yen trong giai đoạn 2012-2021, so với mức tăng chỉ 700 tỉ yen của các gã khổng lồ.

Doanh thu của các doanh nghiệp vừa này tăng 18.900 tỉ yen trên cơ sở chưa hợp nhất, so với 3.900 tỉ yen của các công ty lớn và 14.700 tỉ yen của các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, doanh số bán hàng ở nước ngoài tăng 70.000 tỉ yen với nhóm công ty lớn, so với 11.300 tỉ yen của nhóm trung bình và 1.600 tỉ yen của nhóm doanh nghiệp nhỏ. “Các công ty quy mô vừa cũng rất quan trọng trong việc thúc đẩy các thương vụ mua bán và sáp nhập bên ngoài các thành phố lớn”, một quan chức METI nhận định.

Tăng trưởng của Nhật Bản có thể phụ thuộc vào việc nước này có thể nâng cấp các công ty nhỏ lên quy mô trung bình và từ đó biến nhóm này thành động lực chính của nền kinh tế địa phương.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhat-ban-xay-dung-chinh-sach-ho-tro-cong-ty-co-trung/