Nhật Bản với chính sách an ninh không gian mở

Theo tờ Nikkei Asia, Chính phủ Nhật Bản đã vạch ra lộ trình nhằm mở rộng việc thu thập thông tin để tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa và đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho các vệ tinh. Động thái căn cứ theo chính sách an ninh không gian đầu tiên được thông qua vào giữa tháng 6 vừa rồi.

Tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa

Thủ tướng Fumio Kishida cho biết: “Các vệ tinh hỗ trợ thông tin liên lạc, ứng phó thảm họa và an ninh trong khi cạnh tranh quốc tế ở lĩnh vực này đang ngày càng gay gắt. Chúng ta sẽ mở rộng đáng kể việc sử dụng các hệ thống dựa trên không gian để đảm bảo an ninh”.

Hệ thống tên lửa đất đối hạm Type-12 được Nhật Bản dự kiến nâng tầm bắn từ 200 km lên tối đa 1.500 km.

Chính sách này, thực hiện trong giai đoạn 10 năm, dựa trên Chiến lược An ninh quốc gia mới được thông qua vào tháng 12/2022, kêu gọi thúc đẩy sự phát triển của công nghệ phát hiện và theo dõi tên lửa với sự hợp tác của Mỹ. Trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng để cải thiện độ chính xác của việc phân tích hình ảnh vệ tinh.

Chính sách này cũng kêu gọi trao cho Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ năng lực phá vỡ hệ thống chỉ huy và kiểm soát cùng thông tin liên lạc của các quốc gia khác. Nhật Bản sẽ dẫn đầu trong việc xây dựng các quy tắc quốc tế về việc sử dụng không gian vì mục đích an ninh. Chính sách kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Bộ Quốc phòng với Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) trong việc thúc đẩy sử dụng công nghệ của khu vực tư nhân.

Phát triển tên lửa bảo vệ đảo xa

Báo Japan Times đưa tin Nhật Bản đã bắt đầu phát triển một loạt hệ thống tên lửa được thiết kế để giúp tự vệ ở khoảng cách xa hơn và ngăn chặn các lực lượng tấn công của đối phương, đặc biệt là từ các đảo phía Tây Nam của nước này. Là một phần của Chương trình tăng cường quốc phòng, những “khả năng phản công” tầm xa này, sẽ bao gồm các phiên bản mới của tên lửa chống hạm Type-12, vũ khí siêu thanh và tên lửa hành trình, được coi là một phản ứng tương xứng đại diện cho “biện pháp cần thiết tối thiểu” để đối phó trong trường hợp Nhật Bản bị tấn công vũ trang.

Mặc dù mới được công bố cách đây 6 tháng, nhưng việc phát triển cái gọi là vũ khí dự phòng này đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Tokyo, với việc Bộ Quốc phòng đã trao ít nhất 8 hợp đồng lớn kể từ tháng 4/2023 để phát triển hoặc sản xuất hàng loạt hệ thống mới.

Trong đó có các hợp đồng không chỉ liên quan đến sản xuất một phiên bản nâng cấp của tên lửa Type-12 phóng từ đất liền, dự kiến giao hàng trong năm 2026 hoặc 2027 mà còn phát triển loại tên lửa đó, bao gồm nâng tầm bắn lên khoảng 1.500km và phát triển các phiên bản tên lửa hạm đối hạm, không đối hạm. Để thực hiện giải pháp tạm thời cho đến khi năng lực tên lửa trong nước sẵn sàng, Tokyo đã mua 400 tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn khoảng 1.600 km. Nhật Bản cũng hy vọng sẽ sản xuất phiên bản đầu tiên của thiết bị lượn siêu vượt âm cũng như tên lửa hạm đối hạm trong vòng 3 đến 4 năm tới.

Giám đốc cấp cao của Sáng kiến liên minh Mỹ - Nhật thuộc Quỹ hòa bình Sasakawa, ông James Schoff, nhận định tất cả các hợp đồng nói trên có mục đích giống nhau, là phát triển và tăng cường năng lực tự thân của Nhật Bản để nâng năng lực tự vệ lên khoảng cách xa hơn nhằm bắt kịp những phát triển mới của công nghiệp quốc phòng, bao gồm cả chất và lượng.

Mục đích

Theo chuyên gia quân sự Yoshihiro Inaba, các dự án nhằm phát triển an ninh không gian mở này đều có lợi thế quân sự rất cụ thể, mặc dù mục tiêu của chúng nhắm đến đôi khi có thể trùng lặp nhau. Ví dụ như tên lửa siêu thanh, khó đánh chặn do tốc độ cao, có thể được sử dụng để tấn công tàu của đối phương và các mục tiêu trên đất liền từ một khoảng cách xa dù an toàn. Còn loại vũ khí mới nhằm theo dõi mục tiêu, được thiết kế hoạt động trong không gian, nơi khó thâm nhập máy bay người lái hay các thiết bị không người lái lớn do các hệ thống phòng không của đối phương, sẽ có chức năng phát hiện các mục tiêu tiềm năng và truyền thông tin cần thiết về trung tâm.

Các hệ thống mới này còn có thể hoạt động song song. Chẳng hạn tên lửa dẫn đường siêu thanh và các thiết bị giám sát mục tiêu có chung mục đích, có thể hoạt động cùng thiết bị lượn tốc độ cao. Theo chuyên gia Schoff, các loại vũ khí siêu thanh, đặc biệt là thiết bị giám sát mục tiêu, có thể hoạt động hiệu quả chống lại tàu của kẻ thù nếu chúng đủ cơ động và có thể thu thập dữ liệu khi đang thực hiện các chuyến bay.

Cuối cùng, tên lửa chống hạm để phòng thủ đảo là loại vũ khí thế hệ mới có khả năng tàng hình và tính cơ động cao, được thiết kế để tấn công tàu chiến của kẻ thù ở tầm xa lên tới 2.000 km.

Có một vấn đề là, học thuyết, chính sách và cấu trúc phòng thủ của Nhật Bản vẫn hạn chế nước này chỉ hoạt động ở cấp độ phòng vệ hoặc phòng vệ tập thể có giới hạn cũng như sử dụng vũ lực ở mức cần thiết tối thiểu khi các lựa chọn khác cho phòng vệ không có hiệu quả. Trong khi các loại vũ khí trên được ấn định mục tiêu đầu tiên là bảo vệ công dân Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ, Mỹ cũng được hưởng lợi từ việc các vùng rộng lớn quanh Nhật Bản được bảo vệ, vì cho phép Mỹ tập trung mục tiêu ở những nơi khác trên thế giới.

Và, thách thức chính là duy trì năng lực tương tác. Theo chuyên gia Schoff, các loại vũ khí này cần tương thích với các bệ phóng trên máy bay, tàu và trên đất liền. Lý tưởng là tương thích với các hệ thống của Mỹ để chia sẻ thông tin. Điều này có nghĩa là mặc dù các loại vũ khí trên không thể cùng phát triển với nước khác, vẫn sẽ có một sự gắn kết chặt chẽ với các công ty và quân đội Mỹ về việc các hệ thống này sẽ phối hợp như thế nào với các hệ thống được mua từ Washington, có nghĩa là nó vẫn sẽ được sử dụng trong các hoạt động chung với các đồng minh chiến lược xưa nay của Nhật Bản.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhat-ban-voi-chinh-sach-an-ninh-khong-gian-mo-i699793/