Nhật Bản: Ngành ô tô mở cửa cho kỹ sư nước ngoài

Tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản khiến các trường đại học, cao đẳng mở cửa chào đón các sinh viên khắp châu Á.

Thanh niên từ các nước đang phát triển ở châu Á đang đổ xô đến Nhật Bản để đăng ký vào các trường cao đẳng kỹ thuật cơ khí ô tô với hy vọng có thể lấp đầy sự thiếu hụt lao động của quốc gia này trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm.

Những ngôi trường do các nhà sản xuất ô tô như Toyota, Honda và Nissan điều hành đang chào đón lượng học sinh gia tăng sau Covid-19.

Việc thu hút du học sinh nước ngoài là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thợ cơ khí am hiểu máy tính, những người có thể sửa chữa ô tô công nghệ cao, bao gồm cả xe điện.

Các sinh viên nước ngoài tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Ô tô Nissan ở Yokohama, Nhật Bản (Ảnh: Nikkei Asia).

Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên câu hỏi làm thế nào ngành công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản có thể duy trì được vị thế hàng đầu thế giới khi giới trẻ nước này ngày càng ít hứng thú với những con ốc vít hay những chiếc bu-lông.

Yoshihiro Wakabayashi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Toyota ở Tokyo cho biết, 1/4 trong số khoảng 400 sinh viên đăng ký khóa học kỹ sư trong năm nay là người nước ngoài, nhiều gấp đôi so với trước đại dịch. “Thật đáng buồn khi thế giới ô tô có vẻ rất hấp dẫn đối với người nước ngoài nhưng lại không hấp dẫn lắm đối với người Nhật”, ông nói.

Ông Wakabayashi cho biết thêm: “Xây dựng và các công việc khác liên quan đến sản xuất cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động. Tôi lo lắng rằng văn hóa sản xuất của Nhật Bản sẽ bị mất đi, điều này sẽ tác động đến nền kinh tế”.

Sự thay đổi trong thành phần sinh viên tại các trường như Cao đẳng Kỹ thuật Toyota cho thấy rõ vai trò ngày càng tăng của người nước ngoài trong nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới khi dân số giảm.

Theo Bộ Lao động Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài đạt 2 triệu người trong tháng 10/2023, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 27% làm việc trong lĩnh vực sản xuất. Lao động Việt Nam chiếm 1/4 và cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc và Philippines.

Chính phủ Nhật Bản khuyến khích tuyển dụng lao động nước ngoài cho ngành sửa chữa ô tô kể từ năm 2019 bằng cách cấp cho họ quyền cư trú với tư cách là “công nhân lành nghề”. Số lượng lao động nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp sửa chữa ô tô đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 5 năm qua lên khoảng 4.800 người.

Yoshie Motohiro, Hiệu trưởng Cao đẳng Kỹ thuật Ô tô Nissan cho biết: “Các trường cao đẳng kỹ thuật về cơ khí ô tô có nhu cầu tuyển sinh viên quốc tế đặc biệt lớn kể từ khi các quy định hạn chế nhập cảnh do đại dịch được nới lỏng”.

Theo Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản, trước đại dịch, số lượng tuyển sinh nước ngoài tại các trường đào tạo sửa chữa ô tô Nhật Bản cũng tăng gấp 5 lần từ năm 2016 đến năm 2021 lên 5.000 người.

Bà Motohiro cho biết, 360 sinh viên quốc tế đã theo học tại 5 trường cao đẳng kỹ thuật do Nissan điều hành trong năm nay, gấp 3 lần so với năm 2019. Hầu hết đều có ý định làm việc sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, nơi có mức lương cao hơn.

Bà nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp nhận thêm sinh viên quốc tế. Chúng tôi cần tích cực tuyển sinh đối tượng này. Người nước ngoài có thể giúp chúng tôi khắc phục tình trạng thiếu lao động hiện nay”.

Theo Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, sinh viên đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số sinh viên quốc tế tại các trường cơ khí ô tô vào năm 2022, theo sau là Nepal.

Ayumi Nakajima, lãnh đạo Cao đẳng Kỹ thuật Honda cho biết, số lượng sinh viên đến từ Nam Á theo học các trường cao đẳng kỹ thuật ngày càng tăng trong 5 năm qua, do tỷ lệ sở hữu ô tô của Nhật Bản ngày càng tăng, thúc đẩy nhu cầu về cơ khí.

Ông nói: “Trước đây, phần lớn sinh viên quốc tế của chúng tôi là sinh viên Việt Nam, cộng với một số ít đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Nhưng bây giờ, hầu hết đến từ các khu vực phía Nam Á như Nepal, Bangladesh và Sri Lanka”.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, vào năm 2022, trung bình mỗi ứng viên nhận được 5 lời mời làm việc. Con số này cho thấy nhu cầu sử dụng công nhân được đào tạo về sửa chữa ô tô rất lớn.

Theo dữ liệu của hiệp hội ngành, nhìn chung, có khoảng 331.000 thợ sửa chữa cho khoảng 82 triệu phương tiện ở Nhật Bản vào năm 2022.

Minh Phương (theo Nikkei Asia)

Báo Lao động Xã hội số 46

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nhat-ban-nganh-o-to-mo-cua-cho-ky-su-nuoc-ngoai-20240416145535780.htm