Nhật Bản kiên cường vượt qua thảm họa

Vào những ngày đầu năm 2024, một trận động đất được đánh giá có độ mạnh lớn thứ hai chỉ sau trận động đất lịch sử của nhân loại vào năm 2011 đã xảy ra ở Nhật Bản. Trận động đất này đã kéo theo nhiều cơn dư chấn sau đó, số người bị thương, tử vong tăng lên từng ngày và lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian để tìm người mất tích.

Nhật Bản là một trong những quốc gia thường xuyên xảy ra động đất nhiều nhất trên thế giới, vì nằm trên 4 mảng kiến tạo hội tụ và chúng liên tục cọ xát vào nhau. Theo Tạp chí Nature, khoảng 1.500 trận động đất tấn công đất nước này mỗi năm, mặc dù phần lớn đều nhẹ để có thể cảm nhận được. Hầu hết các trận động đất lớn ở Nhật Bản đều do mảng Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía Đông gây ra, trượt bên dưới một mảng khác. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, động đất sẽ tiếp tục là một phần của cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản và chính phủ đang nỗ lực giảm thiểu tác động của chúng.

Thảm họa kép

Trận động đất vào những ngày đầu năm mới mạnh 7,6 độ, diễn ra ở độ sâu 10km, đã làm rung lắc bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa và khu vực xung quanh, ở miền Trung Nhật Bản. Đài NHK cho biết, số người thiệt mạng trong tỉnh Ishikawa hiện nay đã lên tới hơn 120 người, số người mất tích là 210 người, nỗ lực cứu hộ đang gặp cản trở do mưa và mưa đá.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã đưa ra “cảnh báo sóng thần lớn” đối với Ishikawa, đây là cảnh báo đầu tiên kể từ trận động đất kinh hoàng năm 2011, và các cảnh báo hoặc khuyến cáo sóng thần cấp thấp hơn cho phần còn lại của đảo Honshu, cũng như cực Bắc của đảo Hokkaido. Sau đó, JMA hạ xuống thành “cảnh báo sóng thần”, nghĩa là các con sóng vẫn có thể cao tới 3 mét khi cập bờ. Ngay cả nước láng giềng Hàn Quốc cũng ghi nhận đợt sóng thần đổ vào bờ biển phía Đông trong hôm 1.1 do dư chấn động đất từ Nhật Bản.

Những ngôi nhà bị sập do động đất ở Suzu, quận Ishikawa. Nguồn: AP

Trận động đất kinh hoàng đã khiến hoàng loạt các tòa nhà sụp đổ, gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, các con đường bị đứt gãy, sạt lở và gây ra hỏa hoạn lớn. Các hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra tại tỉnh Ishikawa, và chính quyền Nhật Bản vẫn đang đánh giá mức độ thiệt hại từ trận động này. Hơn nữa, bên cạnh công tác cứu hộ, cứu nạn, quốc gia này còn đặc biệt phải tính đến sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

Nỗi ám ảnh về Fukushima

Người dân Nhật Bản hẳn vẫn chưa thể quên cuộc khủng hoảng tàn khốc do trận động đất gây ra gần 13 năm trước, khiến cái tên Fukushima Daiichi trở thành nỗi ám ảnh của cả nước. Trận động đất năm 2011 là sự kiện kinh hoàng trong lịch sử thiên tai của nhân loại và được coi là trận động đất với hậu quả khủng khiếp đứng thứ tư trên thế giới kể từ khi các cơn địa chấn được đo đạc vào cuối thế kỷ XIX.

Vào ngày 11.3.2011, một trận động đất mạnh 8,9 độ richter và một cơn sóng thần do nó tạo ra đã tàn phá bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản. Dù xảy ra ở Nhật Bản nhưng trận động đất đã kích hoạt cảnh báo sóng thần trên khắp lòng chảo Thái Bình Dương. Những con sóng khổng lồ được ghi nhận tận bờ biển Bắc Mỹ. Sau cơn đại địa chấn này, Hệ thống cảnh báo sớm động đất (EEW) của Nhật Bản đã làm dấy lên quan ngại về độ chính xác. Hệ thống này đã hoạt động từ năm 2007, nhưng trong trận động đất năm 2011, các cảnh báo đã không được gửi tới vùng Kanto của Nhật Bản vì cường độ địa chấn trong khu vực bị đánh giá thấp.

Trận động đất năm đó đã gây ra thảm họa kép sóng thần và sự cố lò phản ứng hạt nhân. Sóng thần đánh sập hệ thống làm mát tại 3 trong số các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, gây ra vụ tan chảy các lõi phản ứng và phun ra bụi phóng xạ trên những vùng đất rộng lớn xung quanh.

Lo ngại về an toàn hạt nhân

Trận động đất gây lo ngại về sự an toàn của các nhà máy hạt nhân ở khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt vào thời điểm nhạy cảm đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản vốn vấp phải sự phản đối gay gắt của một số người dân địa phương kể từ thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Tuần trước, giới chức nước này dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với Nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa, vốn đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa năm 2011.

Cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao mức độ an toàn tại các lò phản ứng hạt nhân trong khu vực sau trận động đất. Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản (NRA) xác nhận không có báo cáo bất thường nào tại các nhà máy điện hạt nhân dọc bờ biển Nhật Bản sau trận động đất và không phát hiện thấy mức độ phóng xạ tăng tại các trạm giám sát trong khu vực. Ngoài ra, Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ở tỉnh Niigata, nơi có 7 tổ máy ngừng hoạt động, cũng không bị ảnh hưởng.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, họ đã liên lạc với NRA và được thông báo rằng "không có bất thường nào ở các nhà máy điện hạt nhân trong khu vực bị ảnh hưởng", đồng thời cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. Công ty Điện lực Hokuriku, nhà điều hành nhà máy Shika gần tâm chấn nhất cho biết, cả hai lò phản ứng tại nhà máy đã ngừng hoạt động kể từ trước trận động đất, lưu ý rằng đã có một số lần mất điện và rò rỉ dầu sau trận động đất hôm 2.1, nhưng không có rò rỉ bức xạ.

Nỗ lực của Chính phủ và người dân

Sau trận động đất năm 2011, Hệ thống EEW của Nhật Bản đã bộc lộ các vấn đề về độ chính xác. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực khắc phục hệ thống này, đã cải tiến để cung cấp các dấu hiệu nhanh hơn, chi tiết hơn về những trận động đất sắp xảy ra. Trong những năm gần đây, mạng lưới quan sát máy đo địa chấn đã lan rộng ra đại dương, giúp các cơ quan chức năng của Nhật Bản có thể phát hiện các trận động đất sớm hơn các máy đo địa chấn trên đất liền và giúp đưa ra cảnh báo sớm hơn và chính xác hơn.

Trung tâm Mạng lưới cảnh báo của Nhật Bản là hệ thống thông tin quan sát động đất và sóng thần (ETOS) của Cơ quan khí tượng Nhật Bản theo dõi 24/24 và 365 ngày trong năm các tín hiệu được gửi từ 180 trạm theo dõi động đất được phân bổ trên đất liền và 80 thiết bị cảm biến trên đại dương. Ủy ban chuyên gia của Chính phủ Nhật Bản đánh giá, hệ thống cảnh báo sớm có vai trò quan trọng, có thể giúp giảm thương vong đến 80%. Chính nhờ hệ thống cảnh báo sớm này mà trận động đất vừa qua tuy có cường độ lớn nhưng thương vong lại thấp hơn so với động đất năm 2016 hay năm 1995.

Trận động đất năm nay, Chính phủ Nhật Bản đã quyết tâm không lặp lại những sai lầm đã mắc phải trước kia, điều này được thể hiện ở cả ý thức về tính cấp bách lẫn năng lực trong việc hỗ trợ công tác cứu trợ, cứu nạn. Theo đó, Chính phủ đã triển khai thêm khoảng 2.600 nhân lực từ Lực lượng Phòng vệ quốc gia cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, nâng tổng số nhân viên cứu hộ lên 4.600 người.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cảnh báo về việc lan truyền thông tin sai lệch về trận động đất. Theo đó, một số bài đang được lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội cho rằng nguyên nhân của trận động đất có độ lớn 7,6 tại bán đảo Noto và vùng lân cận trên bờ biển Nhật Bản ngày đầu năm là do sử dụng "vũ khí động đất", đồng thời mô tả sự kiện địa chấn là một "trận động đất nhân tạo". Trong khi đó, nhiều bài đăng khác đã chia sẻ các thước phim đã được chỉnh sửa với mục đích mô tả sóng thần do trận động đất mới nhất gây ra, nhưng sử dụng cảnh quay về trận động đất và sóng thần lớn năm 2011.

Thông tin sai lệch trong thảm họa có thể cản trở hoạt động cứu hộ, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Đứng trước những thông tin sai lệch được lan truyền với tốc độ chóng mặt, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố trấn an người dân rằng, không có thứ gì gọi là “vũ khí động đất”, và hãy chỉ luôn chú ý vào những thông tin mà cơ quan này đưa ra.

Dù số thương vong tiếp tục tăng dần, nhưng những cảnh báo được chuyển kịp thời đến công chúng, thông qua phương tiện truyền thông, cũng như phản ứng nhanh chóng từ chính người dân và giới chức dường như đã kiểm soát được ít nhất một số thiệt hại. Nỗ lực cứu hộ nhanh chóng, chuyên nghiệp của lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và quân đội là minh chứng cho thấy quốc gia này đã kiên cường hơn sau nhiều lần chống chọi với những thảm họa.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/nhat-ban-kien-cuong-vuot-qua-tham-hoa-i356959/