Nhật Bản có "bản án" dành cho người béo phì

(ĐSPL) - Nhật Bản là nơi duy nhất trên thế giới béo phì được coi là phạm pháp và những người mắc căn bệnh mang tính thời đại này phải rèn luyện hà khắc mới mong “hết án”.

Với mỗi người dân Nhật Bản, để số cân vượt quá mức quy định hay có vòng eo lớn hơn tiêu chuẩn không chỉ giản đơn là chuyện làm xấu hình ảnh bản thân hay những nguy cơ về sức khỏe cá nhân mà còn bị quy thành tội.

Béo phì luôn là nỗi ám ảnh với người Nhật.

“Bản án” béo phì

Một sáng cuối tháng 5/2011, theo giấy triệu tập của thành phố Amagasaki, Minoru Nogiri, 45 tuổi, chủ cửa hàng hoa đến bệnh viện và ngay ngắn đứng trong dòng người xếp hàng đo vòng eo.

Với vòng bụng nhìn đã khá thon gọn, ông tự tin sẽ không bị lọt vào danh sách béo phì hay còn gọi là metabo, một từ được dùng nhiều tại Nhật Bản trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khi nghe cán bộ phổ biến về quy định tiêu chuẩn mới của thành phố này cho vòng eo nam giới chỉ là 85cm, ông chợt giật mình: “Nếu theo kết quả tôi đo từ nhà, thì có khi tôi cũng chấp chới thừa cân”.

Ông hồi hộp bước vào phòng cân đo và vén áo để lộ ra khuôn bụng phẳng tắp. Nhưng đúng là nỗi lo lắng của ông không là vô cớ, ông được cô y tá thông báo có vòng eo: 85,1cm. Nghĩa là ông đã thừa 0,1 cm so với giới hạn.

"Thế là công cốc rùi", ông thở dài và lộ rõ vẻ lo lắng trên khuôn mặt. Ông đã áp dụng chế độ ăn theo hướng dẫn mà vẫn thừa cân ở cả 3 kỳ kiểm tra và điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải tiếp tục theo những khóa huấn luyện giảm cân của nhà nước tổ chức. Và phiền lụy hơn nữa, công ty ông làm việc sẽ bị vạ lây, phải nộp tiền phạt.

Akio Inoue, 30 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin cũng là một trường hợp tương tự. Với số cân 107kg cùng chiều cao 1,7m, sau ba khóa huấn luyện giảm cân, kiêng khem và dùng các loại thuốc giảm cân, số cân của anh đã ở mức chuẩn 53kg, nhưng vòng eo vẫn dư 1cm so với giới hạn chuẩn. Vậy là anh sẽ lại tiếp tục phải ép giảm eo và tham gia các khóa huấn luyện giảm cân ở địa phương. Tất nhiên, công ty anh cũng sẽ phải chịu nộp phạt.

Ra đời vào năm 2008, đạo luật chống béo phì của Nhật này không nhằm phạt các cá nhân. Những người thừa cân và eo lớn hơn so với quy định chỉ phải áp dụng chế độ dinh dưỡng của các nhà chức trách đưa ra và sau 6 tháng kể từ chế độ ăn kiêng, nếu cân vẫn không giảm họ tiếp tục phải đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn. Nhưng các công ty và địa phương có người thừa cân, dư vòng eo lại bị phạt. Đối với các công ty, nếu họ không thể giảm được 10% số nhân viên thừa cân từ 2009 đến năm 2012 và 25% đến năm 2015 thì sẽ phải “nộp phạt hành chính” một khoản tiền cho chương trình chăm sóc sức khỏe người già.

Và với các công ty có đông nhân viên thì khoản tiền nộp phạt này không hề nhỏ. Như với công ty Matsushita, lượng người trong độ tuổi phải đo vòng eo chiếm đến hơn 80% nhân viên toàn công ty. Và điều đó đồng nghĩa với việc tiền phạt sẽ lên tới cả chục triệu đô.

Còn NEC, nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất của Nhật cho biết nếu công ty này không đạt mục tiêu, họ có thể sẽ phải trả 19 triệu đô tiền phạt. Vì lẽ đó nên để tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy không hiệu quả, công ty đã quyết định đo vòng eo cho nhân viên từ khi họ mới hơn 30 tuổi (dù thực tế 40-74 tuổi theo luật mới phải áp tiêu chuẩn về cân đo) và tài trợ các chương trình đào tạo giảm cân cho cả gia đình các nhân viên.

Ở khắp các công ty trên đất Nhật, phong trào tập thể dục và ăn theo chế độ giảm cân diễn ra rầm rộ. Nhân viên văn phòng buổi trưa thay vì đi đến các nhà hàng thông thường, họ lại chọn những nhà hàng chỉ chuyên phục vụ rau và hoa quả. Những quán ăn kiêng mọc lên như nấm. Và quà tặng của công ty cho nhân viên mỗi dịp lễ cũng được chuyển thành các thẻ tập thể dục, bơi.

Với những người dân hoạt động kinh doanh, kiếm sống tự do cũng không thoát khỏi “bản án” nếu dư cân và thừa vòng eo. Họ cũng phải chịu quản thúc của chính quyền địa phương nếu cân không giảm. Và người phải nộp phạt từ việc thừa cân của họ là chính quyền địa phương.

Từ năm 2009, các công ty và chính quyền địa phương nước này luôn phải đưa việc đo vòng eo của người dân Nhật Bản trong độ tuổi từ 40 và 74 vào chương trình khám sức khỏe hàng năm. Và điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có hơn 56 triệu vòng eo được đo và khoảng 44 % toàn bộ dân số phải đo.

Chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 được các nhà lập pháp nước này đưa ra dựa trên hướng dẫn của Ủy ban phòng chống tiểu đường quốc tế nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm và các bệnh liên quan đến cân nặng.

Các câu lạc bộ thể hình ở Nhật luôn là điểm thu hút khách.

Vi phạm nhân quyền?

Nhật Bản là số ít quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Số người béo phì ở nước này chỉ chiếm 5%. Song dẫu vậy, đất nước của những chàng su mô này vẫn cương quyết áp dụng chính sách giảm cân này vì nhiều lý do.

Trước hết, số cân nặng của người Nhật hiện tại cũng nặng hơn 3 thập kỷ trước nhiều. Đặc biệt, ở một quốc gia có dân số già đi nhanh chóng vì tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao như nước này, thì số người mắc bệnh tiểu đường tăng khá mạnh.

Năm 1997, mới có 6,9 triệu người mắc bệnh thì đến năm 2007 con số này đã tăng lên thành 8,9 triệu. Chi phí chăm sóc y tế ở đây vì thế cũng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020 và chiếm đến 11,5% tổng thu nhập quốc nội.

Béo phì hiển nhiên là rất bất lợi. Mỗi năm thế giới mất đi 162,000 người vì bệnh tật liên quan đến việc thừa cân và vì thế chi phí của người dân cho y tế cũng vô cùng lớn. Và theo tính toán của các nhà lập pháp Nhật, nếu so sánh thì số tiền phạt này không đáng kể so với chi phí mà các cá nhân phải trả cho y tế vì những vấn đề mà béo phì gây ra. Trong khi đó, khi thu tiền phạt này, Chính phủ lại có thêm một khoản tiền để dành cho việc đào tạo, huấn luyện về dinh dưỡng chuẩn mực cũng như các chương trình chăm sóc sức khỏe khác.

Tuy nhiên, đạo luật cũng gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân. Dư luận của một số nước thì cho rằng điều luật này là vi phạm nhân quyền, can thiệp quá sâu vào đời sống tự do của người dân.

Còn tại Nhật, nhiều người cho rằng những chỉ số về cân nặng, vòng eo tiêu chuẩn mà Nhà nước đưa ra là quá khắt khe. Nếu theo đó, hơn một nửa đàn ông sẽ nằm trong danh sách thừa cân. Còn với giáo sư Yoichi Ogushi, làm việc tại đại học Tokai ở Tokyo thì cho rằng người Nhật không cần thiết phải giảm cân. Ông đưa ra so sánh: “Tôi không nghĩ rằng chiến lược giảm cân này tích cực. Hiện tại, nếu chính sách này được thực hiện tại Mỹ, sẽ vô cùng hiệu quả vì ở đó cứ 3 người thì có 1 người thừa cân nhưng người Nhật thì nhẹ hơn nhiều. Cứ 20 người Nhật mới có 1 người thừa cân nên không cần thiết phải giảm cân”.

Và 4 năm sau khi luật này được thông qua, phụ nữ Nhật đang trở nên quá gầy. Báo cáo gần đây cho thấy có tới 29% phụ nữ trong độ tuổi 20 thiếu cân so với quy định với chỉ số cơ thể chỉ là 18,5.

Đào Vũ (Theo Newyorktimes)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/the-gioi/nhat-ban-co-ban-an-danh-cho-nguoi-beo-phi-a8527.html