Nhật Bản chế tạo nhựa sinh học có khả năng tự phân hủy trong nước biển

Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển được một loại polylactide có khả năng phân hủy nâng cao, được gọi là LAHB, và thêm vào đó một loại vi khuẩn được chỉnh sửa gene để có thể sản xuất hàng loạt.

Nhựa sinh học có thể phân hủy trong nước biển do các nhà khoa học Nhật Bản chế tạo. (Nguồn: Kyodo)

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản ngày 10/4 cho biết họ đã phát triển được một loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ, loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

Axit polylactic, còn được gọi là polylactide, đã thu hút sự chú ý của giới khoa học như một vật liệu thay thế cho nhựa gốc dầu mỏ. Tuy nhiên vật liệu này có nhược điểm là giòn, khó tạo khuôn và hòa tan.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát triển được một loại polylactide có khả năng phân hủy nâng cao, được gọi là LAHB, nhưng vật liệu này rất khó sản xuất với số lượng lớn.

Để giải quyết những hạn chế đó, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại vi khuẩn có tên là lactate dehydrogenase có khả năng sản xuất nhựa và thông qua chỉnh sửa gene, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được hàng loạt LAHB.

Bản thân LAHB có màu trắng đục nhưng nhóm nghiên cứu đã đạt được vẻ ngoài trong suốt điển hình bằng cách thêm một lượng nhỏ LAHB vào axit polylactic thông thường.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030.

Túi nylon trôi dạt vào Vịnh Botnia ở gần Pietarsaari vào cuối mùa Xuân khi băng trên biển đang tan chảy, ngày 3/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Seiichi Taguchi, Giáo sư thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.”

Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng rằng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế.

Gần 80% rác thải nhựa được chôn lấp hoặc thải bỏ trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.

Một trong những lý do khiến ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nan giải là bởi rác thải nhựa bị phân hủy thành những hạt nhựa nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa (Microplastic) - nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các hạt vi nhựa dễ dàng đi vào thức ăn, nguồn nước và không khí. Ước tính mỗi người trên hành tinh có thể phải tiếp nhận hơn 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Bên cạnh đó, khoảng 98% sản phẩm nhựa sử dụng một lần được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch hoặc nguyên liệu “gốc” (virgin feedstock).

Mức độ phát thải khí nhà kính liên quan đến sản phẩm nhựa làm từ nguyên liệu hóa thạch truyền thống được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040.

Báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết thế giới có thể giảm 80% tình trạng ô nhiễm nhựa vào năm 2040 nếu hành động ngay bây giờ, khi tái sử dụng, tái chế, định hướng lại và đa dạng hóa để loại bỏ nhựa.

Nhật Bản đã đưa ra nhiều biện pháp và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhat-ban-che-tao-nhua-sinh-hoc-co-kha-nang-tu-phan-huy-trong-nuoc-bien-post939862.vnp