Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm và tác động tới Việt Nam

Việc đồng Yên tăng giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu và ngược lại, có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường này.

Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm sẽ giúp đồng Yên tăng giá.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 19/3 thông báo nâng các mức lãi suất ngắn hạn lên 0-0,1%, thay vì -0,1% như trước. Đây là lần đầu tiên sau 17 năm, cơ quan này nâng lãi suất, và cũng là lần đầu tiên từ năm 2016 họ chấm dứt chính sách lãi suất âm. Dù vậy, mức lãi vẫn duy trì quanh 0%, do đà phục hồi kinh tế mong manh.

Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trên thế giới bỏ lãi suất âm, chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết định trên của BOJ đã được dự báo từ trước, khi lạm phát tại Nhật Bản vượt mục tiêu 2% hơn một năm qua. Trong cuộc đàm phán lương tuần trước, các công ty lớn nhất nước này cũng đồng ý tăng lương lên mức cao nhất 33 năm cho người lao động.

Phân tích về sự kiện trên trong báo cáo thị trường tuần 25-29/3, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Nhật Bản là đối tác ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam; là đối tác thương mại lớn thứ 4. Vì vậy, việc đồng Yên có thể tăng giá sau quyết định của BOJ sẽ có những tác động đến Việt Nam.

Theo BSC, giai đoạn 2021-2023, đồng Yên đã mất khoảng 30% giá trị so với đồng USD và là mức mất giá mạnh hơn hầu hết các đồng tiền khác trong khu vực khi BOJ giữ lãi suất cực thấp còn hầu hết các NHTW lớn trên thế giới đều tăng lãi suất. Các nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng chu kỳ giảm giá quá mức của đồng Yên trong thời gian qua sẽ kết thúc khi BOJ tăng lãi suất trở lại, trong khi các NHTW lớn khác như Fed và ECB bước giai đoạn cắt giảm lãi suất.

Đầu tiên, đồng Yên tăng giá sẽ khiến nợ công thực của Việt Nam tăng. Nhật Bản là một trong những chủ nợ lớn của Việt Nam và là chủ nợ song phương lớn nhất tính đến năm 2022 với tổng khoản vay khoảng 252.000 tỷ VND. Việc đồng Yên tăng giá khiến gánh nặng nợ công tăng lên. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá có thể khiến đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FII) từ Nhật Bản giảm.

Lãi suất chính sách BoJ, ECB, Fed. Nguồn: Bloomberg, BSC tổng hợp

Thứ hai, đồng Yên có thể tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có thị trường xuất nhập khẩu sang Nhật Bản. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản các loại hàng phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, gỗ và sản phẩm gỗ… và nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu…

Việc đồng Yên tăng giá sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu và có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường này. Ngoài ra, việc đồng Yên tăng giá còn tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sử dụng nợ vay bằng đồng Yên.

Thứ ba, người lao động Việt Nam tại Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nếu đồng Yên tăng giá, khi có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi cao hơn khi gửi tiền ở Nhật Bản và có thu nhập cao hơn khi quy đổi sang USD/VND. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lao động hàng đầu của Việt Nam. Đây cũng là nhân tố hỗ trợ rất tốt đối với nguồn kiều hối của Việt Nam.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/nhat-ban-cham-dut-lai-suat-am-va-tac-dong-toi-viet-nam-post32964.html