Nhập viện tâm thần vì nghiện cờ bạc

Tốt nghiệp đại học có tiếng, lương tháng 25 - 30 triệu, Thắng phải đi khám tâm thần vì suốt ngày chìm đắm trong trò 'đỏ - đen' đến mất việc.

Thắng (28 tuổi) biết đến chơi bạc khi là sinh viên năm 2 đại học. Trong một lần du lịch cùng bạn, Thắng được rủ làm vài ván bài để giải trí, lúc đầu chỉ chơi cho vui, nhưng cảm giác thích thú khi “ăn tiền” từ mỗi ván bài khiến chàng trai này không dứt ra được.

Chơi bài trở thành thói quen rồi dần nghiện lúc nào không hay.

Ngày học đại học, một tuần Thắng chơi bài 3-4 lần, số tiền khoảng 50.000 đồng/ván. Đi làm có lương, từ ván bài chơi cho vui dần tăng lên tiền trăm, tiền triệu rồi chục triệu. Mỗi lần thua, Thắng lại bỏ ra nhiều tiền hơn mong thu lại, có lần anh cắm xe máy, vay tiền bạn bè để đánh bài.

Thấy con trai, người yêu sa vào cờ bạc, bố mẹ Thắng cùng bạn gái nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được. Thắng còn quyết định chia tay bạn gái vì bị quản chuyện chơi bài.

Liên tiếp mất trắng, Thắng vay tiền khắp nơi, cả đồng nghiệp ở cơ quan nhưng không có tiền trả, bị sếp cho nghỉ việc. Nợ mới, nợ cũ, thất nghiệp người đàn ông 29 tuổi vẫn không tỉnh ngộ mà lao vào cờ bạc sáng tối, trộm cả xe nhà đi cắm.

Mỗi lần thua bài, về nhà Thắng cáu gắt, cãi cọ với cha mẹ, đập phá đồ đạc.

Lo lắng sức khỏe của con trai, gia đình đưa anh đến gặp bác sĩ tâm thần, được chẩn đoán nghiện cờ bạc.

Chàng trai 28 tuổi phải thăm khám tinh thần sau thời gian dài đắm mình trong cờ bạc.

BSCKII Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó Trưởng phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nghiện cờ bạc bản chất là loại bệnh về não, cũng giống như bệnh nghiện do các chất kích thích như ma túy, rượu.

"Người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách cao", bác sĩ Ngọc nói và cho biết các nghiên cứu phát hiện những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách cao, trên 60%, rối loạn cảm xúc khoảng 50%, rối loạn lo âu trên 40%.

Theo bác sĩ Ngọc, những thú vui trong cuộc sống khiến chúng ta mắc bệnh tâm thần, nếu không kịp thời chữa trị sẽ dần phá hủy sức khỏe, nhân cách, hạnh phúc của cá nhân, gia đình và xã hội.

Người nghiện cờ bạc thường có những triệu chứng như:

- Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn.

- Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.

- Nhiều lần nỗ lực nhưng không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc.

- Thường bận tâm đến cờ bạc (ví dụ có những suy nghĩ dai dẳng về việc hồi tưởng lại những trải nghiệm cờ bạc trong quá khứ, hoặc lên kế hoạch cho cuộc mạo hiểm tiếp theo, nghĩ cách kiếm tiền để đánh bạc).

- Thường đánh bạc khi cảm thấy đau khổ (ví dụ: bất lực, tội lỗi, lo lắng, chán nản).

- Sau khi thua bạc trong cờ bạc, thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn ("đuổi theo" số tiền thua lỗ).

- Gây nguy hiểm hoặc mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc cơ hội giáo dục hoặc nghề nghiệp quan trọng vì cờ bạc.

Vị chuyên gia chia sẻ, cách phòng ngừa để không nghiện cờ bạc là không chơi, không sa đà vào thú vui “đỏ - đen”. Để phòng ngừa tái mắc nghiện cờ bạc, người đó cần cách ly khỏi các trò chơi cá cược. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quan tâm của gia đình, nỗ lực của bản thân.

Bệnh nhân có thể cần được điều trị bằng các phương pháp như trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược kết hợp. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình và nhà trị liệu.

Nguyễn Ngoan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhap-vien-tam-than-vi-nghien-co-bac-ar856200.html