Nhập khẩu phân NPK tăng mạnh

(TBKTSG Online) - Tính đến 15-2, Việt Nam đã nhập khẩu gần 50.120 tấn phân NPK, tăng 48.000 tấn so với cùng kỳ năm 2012, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Ngọc Hùng

Công nhân đang bốc vác phân bón tại cảng. Ảnh: Kinh Luân

>>> Năm 2013: Sẽ giảm nhập phân bón

>>> Gian nan xuất khẩu phân bón

Theo ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, năm nay các doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng phân NPK tăng vọt là do mùa vụ đến sớm nên nhu cầu tiêu thụ NPK, DAP tăng mạnh, trong khi lượng sản xuất trong nước không đáp ứng đủ.

Ngoài NPK, các doanh nghiệp cũng đã nhập gần 55.400 tấn phân DAP, tăng hơn 31%, hơn 104.500 tấn phân kali, tăng 20% so cùng kỳ 2012, trong khi đó lượng ure nhập khẩu là hơn 8.000 tấn, giảm gần 2 lần cùng thời kỳ. Còn phân SA lượng nhập là 107.500 tấn, tương đương với cùng kỳ năm trước.

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2013 Việt Nam cần khoảng 10,325 triệu tấn phân bón các loại. Cụ thể, phân urê là 2 triệu tấn, phân SA là 850.000 tấn, phân kali là 950.000 tấn, DAP là 900.000 tấn, NPK là 3,8 triệu tấn, phân lân là 1,825 triệu tấn.

Do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên theo Bộ NN&PTNT năm nay nhập khoảng 2,5 triệu tấn phân bón, trong đó có 850.000 tấn SA, 570.000 tấn DAP và 950.000 tấn kali và 100.000 tấn NPK, và không nhập phân ure vì nguồn cung trong nước đáp ứng đủ nhu cầu. Tổng số tiền để nhập khẩu phân bón là 961 triệu đô la Mỹ.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2012, Việt Nam nhập khẩu gần 4 triệu tấn phân bón các loại với giá trị gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 7% về lượng và giảm 5% về giá trị. Vì thế, nếu tính toán của Bộ NN&PTNT là đúng thì năm 2013 lượng phân bón nhập khẩu sẽ giảm khoảng 1,5 triệu tấn.

Mặc dù, nhập khẩu gần 4 triệu tấn phân bón nhưng năm 2012 Việt Nam cũng đã xuất khẩu gần 1,35 triệu tấn phân bón các loại, giá trị thu về là 554 triệu đô la Mỹ, tăng gần 25,5% về lượng và gần 17,5% về giá trị so với năm trước đó. Tuy nhiên, khoảng 60% trong số đó (tương đương 800.000 tấn) là phân bón không có thương hiệu.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/kinhdoanh/xuatnhapkhau/92443/