Nhân viên quân khí đam mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật

Trong quá trình công tác, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Việt Hà-nhân viên quân khí Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào quá trình huấn luyện và đạt giải cao tại các cuộc thi. Với thành tích đó, anh 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

Năm 2003, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Việt Hà rời quê hương Nghệ An lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Quân đoàn 3. Quá trình huấn luyện và công tác tại đơn vị, anh luôn năng nổ đi đầu trong mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, anh rất đam mê nghiên cứu vũ khí, trang bị kỹ thuật. Vì vậy, năm 2005, anh được đơn vị cử đi học chuyên ngành vũ khí tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Vin-hem Pich (nay là Trường Đại học Trần Đại Nghĩa). Sau 2 năm học tập, anh được cử về Trung đoàn 64 công tác.

Thượng úy Hoàng Việt Hà (bìa phải) giới thiệu với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh cách sử dụng bàn cắt. Ảnh: V.H

Với niềm đam mê và kiến thức đã học được trong trường, trên cương vị là nhân viên quân khí, Hoàng Việt Hà bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật các loại vũ khí bộ binh. Anh cho biết: Khi diễn tập và sẵn sàng chiến đấu đối với súng máy phòng không 12,7 mm, chiến sĩ thường lắp từng viên đạn vào dây băng đạn 50 viên. Quá trình lắp đạn vào dây băng mất nhiều thời gian, đôi lúc chiến sĩ còn bị trầy xước, chảy máu bàn tay, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị diễn tập và sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2020, anh đã cho ra đời sáng kiến “Bàn lắp đạn 12,7 mm”. Cấu tạo của thiết bị này gồm: tay ấn, trục xoay, khay đựng đạn, chân giá, bàn nâng. Nguyên lý hoạt động của thiết bị là đưa dây băng đạn vào trục xoay trước miệng rãnh, đạn được để vào khay đựng. Trên bàn lắp đã đánh số thứ tự, theo yêu cầu về số lượng đạn, chiến sĩ chỉ cần dùng tay đẩy đạn về dây băng hộp tiếp đạn thì đạn sẽ được đưa hết vào hộp tiếp đạn.

Thượng úy Hà giải thích thêm: “Bàn lắp đạn này cấu tạo thành các gờ, rãnh, khi có gắn hộp đựng đạn, đưa dây băng đạn vào đúng vị trí, chiến sĩ chỉ cần dùng tay đẩy thanh gỗ trên bàn thì những viên đạn sẽ rơi vào khe và lần lượt được đưa vào băng đạn cho đến khi đủ số lượng đạn cần lắp. Với sáng kiến này, thời gian lắp đạn vào dây băng đạn 12,7 mm giảm 2/3 so với khi dùng tay lắp từng viên đạn”. Cũng từ ý tưởng của sáng kiến này, năm 2021, Thượng úy Hà đã cho ra đời sáng kiến “Bàn lắp đạn súng AK” với cấu tạo và nguyên lý hoạt động tương tự bàn lắp đạn súng 12,7 mm. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thiết bị “Bàn lắp đạn súng AK” có kích thước nhỏ hơn và còn dùng để tháo đạn trong băng đạn, kiểm tra số lượng đạn còn dư sau khi sử dụng.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh-Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 64-cho biết: Ưu điểm của 2 sáng kiến này là thời gian lắp băng đạn nhanh hơn, bảo đảm thời gian cho các lượt bắn. Cũng vì có khay đựng đánh số nên chúng tôi dễ dàng kiểm soát được số lượng đạn bắn ra. Đặc biệt, bàn lắp đạn được chế tạo bằng gỗ và cao su nên không gây xây xát bề mặt viên đạn, không ảnh hưởng đến hạt lửa, vì vậy, rất an toàn trong sử dụng. Bên cạnh đó, việc thiết kế đảm bảo đúng quy chuẩn nên khi lắp, viên đạn nằm đúng vị trí, không xảy ra tình trạng kẹt đạn lúc bắn.

Trước đây, trong quá trình huấn luyện và quá trình chuẩn bị chiến đấu, chiến sĩ phải dùng dao nhỏ cắt dây cháy chậm, các loại dây, ống nhựa đựng ngòi đạn. Việc dùng dao nhỏ khiến lực cắt yếu, đặc biệt là đối với các hộp nhựa lớn đựng đầu nổ các loại đạn cối. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2022, Thượng úy Hà tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Bàn cắt dây cháy chậm và các loại ống nhựa”. Thiết bị được cấu tạo gồm bàn gỗ gắn một thanh gỗ cố định, một thanh di động điều khiển bằng bu lông để điều chỉnh kích thước vật cần cắt cùng thước đo, khe hở để đưa ống nhựa, dây cháy chậm, dao cắt. Nếu muốn cắt ống nhựa đựng ngòi nổ, tùy theo kích cỡ, chiến sĩ điều chỉnh thanh gỗ di động trên bàn theo độ dài cần cắt, sau đó cố định lại và dùng dao được gắn trên bàn ấn xuống theo phương thẳng đứng. Nhờ được cố định trên bàn cắt có thước đo nên việc cắt các thiết bị đảm bảo an toàn, không cắt vào ngòi nổ, cắt đúng chiều dài dây cháy chậm theo yêu cầu của người chỉ huy. Sáng kiến này đã được đơn vị áp dụng vào quá trình diễn tập, huấn luyện và được đánh giá cao.

Trao đổi với P.V, Trung tá Đồng Văn Bằng-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64-cho hay: Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Việt Hà là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 4 năm liền và 2 lần được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác. Anh còn rất đam mê sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Thượng úy Hà khi áp dụng vào quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị mà còn giảm thời gian, công sức của bộ đội.

VĨNH HOÀNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nhan-vien-quan-khi-dam-me-nghien-cuu-cai-tien-ky-thuat-post246962.html