Nhân viên 'cổ cồn trắng' ở Trung Quốc bị cắt giảm lương trên diện rộng

Lực lượng nhân viên 'cổ cồn trắng' ở Trung Quốc làm việc trong các ngành tài chính, y tế và các cơ quan chính quyền bị cắt giảm lương trên diện rộng trong năm qua. Điều này gây tổn thương đến sức tiêu dùng trong nước, làm gia tăng rủi ro giảm phát.

Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chi tiêu tằn tiện hơn do lương giảm và tăng trưởng kinh tế của đất nước suy yếu. Ảnh: Bloomberg

Cola Yao, nhân viên bán thẻ tín dụng của một ngân hàng quốc doanh Trung Quốc, đang kiếm được mức thu nhập ít hơn 40% so với năm ngoái. Vì vậy, cô mua sắm ít quần áo và mỹ phẩm hơn, đồng thời hủy kế hoạch cho con tham gia lớp học bơi trong mùa hè.

“Mức cắt giảm thu nhập quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt trong cuộc sống của tôi”, Yao nói.

Lối sống “thắt lưng buộc bụng” của người dân Trung Quốc bất ngờ trỗi dậy sau khi nền kinh tế lớn thứ hai tăng trưởng chậm lại, làm phức tạp thêm các nỗ lực phục hồi tiêu dùng hộ gia đình của giới lãnh đạo cấp cao nhất ở Bắc Kinh, những người đã tham gia cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc trong tuần này và cam kết sẽ tìm cách cải thiện thu nhập của người lao động.

Các công ty tài chính và cơ quan quản lý của nhà nước Trung Quốc đã cắt giảm lương và thưởng sau khi Ủy ban Kiểm tra – Kỷ luật trung ương Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu đất nước, tuyên bố sẽ loại bỏ “chủ nghĩa hưởng lạc kiểu phương Tây” trong lĩnh vực tài chính.

Một số ngân hàng đầu tư hàng đầu ở Trung Quốc đã giảm ngân sách trả thù lao trong những tháng gần đây. CITIC Securities gần đây đã thực hiện giảm thù lao cho nhân viên cấp thấp và cấp trung ở bộ phận ngân hàng đầu tư. Một số nhân viên của CITIC Securities bị giảm lương cơ bản từ 6.000 đến 10.000 nhân dân tệ (840-1.400 đô la Mỹ)/tháng.

Do gánh những khoản nợ quá lớn, một số chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng đã cắt giảm lương của công chức. Một số bệnh viện và trường học, cùng một số doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với tình trạng sụt giảm doanh thu cũng hành động tương tự.

Không rõ có bao nhiêu người lao động Trung Quốc bị cắt giảm lương trong năm nay. Nhưng các nhà kinh tế cảnh báo, những quyết định cắt giảm lương gây chú ý, đang phủ bóng đen lên niềm tin của người tiêu dùng vốn đã mong manh, làm tăng nguy cơ vòng xoáy giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Việc cắt giảm lương sẽ làm gia tăng rủi ro giảm phát và giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân Trung Quốc”, Zhaopeng Xing, nhà chiến lược cao cấp của ngân hàng ANZ tại Trung Quốc, nhận định.

Dù mức thu nhập trung bình người lao động Trung Quốc trong nửa đầu năm nay tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, lên mức 11.300 nhân dân tệ (1.580 đô la Mỹ)/tháng, nhưng tốc độ tăng trưởng này khó có thể duy trì.

Theo lý giải của Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit, mức tăng thu nhập đó có thể là nhờ lực lượng lao động nhập cư ở nông thôn quay trở lại các nhà máy sau khi chúng đóng cửa trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Điều này đã bù đắp cho mức tăng lương yếu ớt ở các công việc văn phòng.

Một cuộc khảo sát của nền tảng tuyển dụng Zhaopin cho thấy, trong quí 2, mức lương trung bình cho các công việc mới ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022 sau khi chỉ tăng 0,9% trong quí đầu tiên.

Trong sáu tháng đầu năm, tổng thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Trung Quốc, bao gồm tiền lương và các nguồn thu nhập khác, tăng 5,8%, chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,5% của sản lượng kinh tế. Tiêu dùng hộ gia đình ở Trung Quốc đóng góp vào sản lượng kinh tế ít hơn nhiều so với hầu hết các nước khác.

Các nhà phân tích cho rằng, để vượt qua điểm yếu mang tính cấu trúc này, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Trung Quốc cần phải tăng nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế nói chung.

Trong hầu hết bốn thập niên qua, thu nhập khả dụng của người dân tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Đơn phương cắt giảm lương của nhân viên là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng cấu trúc tiền lương phức tạp cho phép các công ty làm điều đó mà không phạm luật.

Thu nhập hàng tháng của Cola Yao giảm xuống còn 6.000 nhân dân (838 đô la Mỹ)/tháng, vì ngân hàng nơi cô làm việc ở thành phố Hợp Phì nâng cao mục tiêu hiệu suất của cô, liên quan đến doanh số bán thẻ tín dụng.

Shao, nhân viên của một công ty mỹ phẩm ở thành phố Tô Châu, cho biết công ty đưa ra cho cô sự chọn nghỉ việc hoặc chấp nhận giảm 50% lương. Cô đã chọn phương án thứ nhất, còn các đồng nghiệp của cô chọn phương án thứ hai nhưng cũng bị chậm trả lương.

“Người lao động không chỉ chịu sức ép từ công ty của họ mà còn từ thị trường lao động. Khả năng thương lượng lương của họ đang yếu đi, nên họ có xu hướng chấp nhận bị cắt giảm lương”, Aidan Chau, nhà nghiên cứu của China Labour Bulletin, nói.

Các cơ quan nhà nước ở Trung Quốc thường vẫn giữ nguyên mức lương cơ bản cho công chức nhưng cắt giảm các khoản phụ cấp khác nhau.

Một bác sĩ họ Xu ở Thượng Hải cho biết, bệnh viện công nơi anh làm việc đã hủy thông lệ thưởng tiền hàng quí, và yêu cầu nhân viên làm thêm giờ. Xu đã chứng kiến lương của anh giảm 20% trong hai năm qua. “Bệnh viện cho biết họ không có tiền”, Xu nói.

Dù lương giảm, Xu không gặp khó khăn tài chính. Nhưng việc làm thêm giờ khiến anh không có thời gian để giao du bên ngoài xã hội.

Giờ đây, xu hướng chi tiêu tằn tiện đã ăn sâu vào người tiêu dùng Trung Quốc. Doanh số bán lẻ ở Trung Quốc vẫn chưa quay trở lại xu hướng trước đại dịch Covid-19, và các hộ gia đình ưu tiên tiết kiệm tiền.

Trong sáu tháng đầu năm, lượng tiền gửi mới ở ngân hàng của các hộ gia đình Trung Quốc tăng 15% lên 12 nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương hơn 50% tổng doanh số bán lẻ trong giai đoạn này.

Các nhà phân tích gọi đó là “một triệu chứng” của sự bất an về tài chính của người tiêu dùng.

“Nếu niềm tin yếu ớt của người tiêu dùng Trung Quốc kéo dai dẳng, điều này có thể làm hỏng tiến trình phục hồi kinh tế của đất nước”, Xiangrong Yu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại ngân hàng CitiGroup, cảnh báo.

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhan-vien-co-con-trang-o-trung-quoc-bi-cat-giam-luong-tren-dien-rong/