Nhận trách nhiệm chính là lời hứa trước cử tri

Chia sẻ với phóng viên Báo Hải quan, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí (ảnh), đoàn Hà Nội cho biết, trả lời chất vấn trước QH, các vị Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước những vấn đề còn tồn tại, có thể coi đó chính là lời hứa trước QH, trước cử tri.

Kết thúc 2,5 ngày chất vấn, ông đánh giá như thế nào về hoạt động được cử tri quan tâm nhất tại các kỳ họp của Quốc hội? Ông đánh giá cao phần trả lời chất vấn của vị Bộ trưởng nào?

- Các ĐBQH chất vấn ngắn gọn, sát vấn đề, câu hỏi bao trùm được nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt ĐBQH đã tăng cường tranh luận với các Bộ trưởng.

Các thành viên Chính phủ cơ bản đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, thực trạng, ngành, lĩnh vực phụ trách, đã cố gắng trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu ra; nhận trách nhiệm và có giải pháp, quyết tâm làm chuyển biến tình hình trong thời gian tới.

Trước hết, phải nói đến công tác điều hành của Chủ tịch QH. Chủ tịch QH đã nhịp nhàng điều hành để các ĐBQH có thể chất vấn trực tiếp tại hội trường. Những vấn đề chưa rõ, được trao đi đổi lại để Bộ trưởng có thể giải đáp những câu hỏi đặt ra.

Trong 4 vị Bộ trưởng, tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Theo tôi, 3 vị Bộ trưởng này nắm chắc vấn đề, nắm chuẩn số liệu và dám nhận trách nhiệm. Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dám nhận trách nhiệm trước QH nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong thẩm quyền của Bộ.

Với Bộ Nội vụ, tôi không hài lòng lắm, vì các câu trả lời nông, thiếu thực tiễn, chưa cụ thể, chưa nói cách diễn đạt khiến người nghe không hứng thú. Tất nhiên, chúng ta cũng phải thông cảm vì Bộ trưởng vừa điều chuyển công tác, hơn nữa, đây cũng là Bộ liên quan đến nhiều văn bản, nhiều quy định, cũng như liên quan đến quản lý con người.

Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian trả lời nhiều vấn đề khó, những vấn đề 4 vị Bộ trưởng giải đáp chưa thỏa đáng. Là ĐB chất vấn trực tiếp người đứng đầu Chính phủ, ông nhận xét phần trả lời của Thủ tướng ra sao?

- Rất hấp dẫn! Thủ tướng nói đúng, trúng và cộng thêm nhiệt huyết nên cá nhân tôi và ĐBQH rất hài lòng.

Qua chất vấn cho thấy, việc “nợ chính sách” vẫn chưa được một số bộ, ngành giải quyết triệt để. Có những vấn đề nóng, bức xúc vẫn trôi qua nhiều kỳ họp như: Nạn phân bón giả, dạy học thêm, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt “buổi hoàng hôn nhiệm kỳ”; và hiện nay việc xử lý 5 dự án nghìn tỷ thua lỗ cũng được Chính phủ hứa sẽ báo cáo kết quả tại kỳ họp sau của QH… Để thỏa mãn câu hỏi của ĐBQH cũng như giải đáp lo lắng của cử tri, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng 2,5 ngày chất vấn khó có thể trả lời được hết những thắc mắc?

- Với 2,5 ngày chất vấn 4 nhóm vấn đề, hầu hết là các vấn đề nóng bỏng của xã hội thì rất khó. Cho nên ý kiến của cử tri, một số ĐBQH, cũng như cá nhân tôi cho rằng, cần kéo dài thời gian chất vấn, có thể trong 3 ngày. Tôi đề nghị phiên chất vấn không giới hạn làm việc đến 5 giờ chiều, có thể cả buổi tối, bởi vì trên thế giới cũng có nước đã thực hiện như thế rồi. Điều quan trọng của hoạt động chất vấn đó là mặt đối mặt với người mà mình muốn hỏi, cử tri cũng muốn theo dõi và nghe, như vậy sẽ chân thực, sinh động hơn.

Đành rằng, nhiều vấn đề phần lớn không thể giải quyết trong một sớm một chiều vì phải có thời gian, điều quan trọng là giám sát hậu chất vấn, thưa ông?

- QH đã có quy trình của giám sát, cuối kỳ họp QH sẽ thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, cũng như có kế hoạch giám sát từng lĩnh vực. Những cơ chế đó sẽ đảm bảo hiệu quả của hoạt động chất vấn tại QH.

Cá nhân ông có giám sát đến cùng những vấn đề mình quan tâm hay không?

- Tất nhiên, tôi sẽ giám sát đến cùng để báo cáo trước cử tri.

Chất vấn tại kỳ họp này đã đổi mới bằng hình thức, ĐBQH có thể giơ biển xin tranh luận ngay lập tức vấn đề mình quan tâm mà chưa được giải trình thỏa đáng. Ông nghĩ gì về cách thức này?

- Tại ngày chất vấn đầu tiên, tôi đã sử dụng quyền đó. Cái hay là câu chuyện đang nói, cần tranh luận thì tranh luận ngay. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn thời gian có hạn, nếu không hỏi trực tiếp mà trả lời bằng văn bản sẽ không còn tính thời sự nữa. Phần tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là rõ nét nhất.

Trước đây các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn thường nói “xin rút kinh nghiệm”, nhưng tại kỳ này là “xin nhận trách nhiệm”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sau khi nhận trách nhiệm thì phải có giải pháp ra sao, chứ nhận trách nhiệm mà để đấy thì có nghĩa chỉ để ĐBQH và cử tri cảm thông, chia sẻ. Ông nghĩ sao về điều này?

- Đúng là nhận trách nhiệm thì phải có trách nhiệm thay đổi. Qua lời nhận trách nhiệm của các Bộ trưởng thì coi đó là lời hứa trước QH, trước cử tri.

Xin cảm ơn ông!

TRẦN THẮNG (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhan-trach-nhiem-chinh-la-loi-hua-truoc-cu-tri.aspx