Nhân tài đoản mệnh vì lời sàm tấu của kẻ tiểu nhân

Kể ra, đã thân làm quan, nhận chức phận công bộc chăm dân thì việc làm tốt được khen, làm sai phải tội đã là lẽ thường tình rồi, việc ấy có gì phải luận thêm. Cái đáng nói ở trường hợp này, ấy là cái án bị xem là oan của ông nghè họ Trịnh. Án ấy, sử sách đề cập đến hiếm lắm.

Hà Tiên xưa

Hà Tiên xưa

Ngay tông tích, hành trạng của quan nghè Trịnh Hoa Đường, điểm qua dăm ba sách sử liên quan đến thời ông sống, chúng tôi vẫn chưa tìm được manh mối nào khả dĩ mà cung hiến cho bạn đọc để gọi là đầy đủ.

Đời quan họ Trịnh, trong tầm hiểu biết hạn hẹp của người viết, mới chỉ được “Tri Tân tạp chí” số 20 và 21 khai thác. Mà hai số tạp chí ấy, ra mắt độc giả từ năm 1941 kia. Người có tấm lòng mà lần về dấu xưa ấy, là Nhật Nham Trịnh Như Tấu, hẳn là đồng cảm về người cùng họ mà sưu khảo vậy. Tính đến nay, ngót đã 60 rồi ấy thế mà ngó mắt trông, vẫn chưa thấy một nghiên cứu nào thêm cả. Hoặc giả thử người viết chưa được biết chăng?

Ông Nghè tuổi 13

Đặc biệt, tra trong bộ “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, được biết có Trịnh Đường, sống thời Minh Mạng nhưng không biết có phải là Trịnh Hoa Đường mà chúng tôi muốn đề cập ở đây không. Bởi vậy người viết chỉ dám để đó, mà chưa có lời đoan chắc nào vì chưa tìm ra được mối liên hệ hành trạng, sự nghiệp của Trịnh Đường và Trịnh Hoa Đường sẽ nói tới ở đây. Xin tạm để vậy ngõ hầu có điều kiện sẽ trở lại vấn đề sâu hơn.

Trịnh Hoa Đường, theo lời cụ Nhật Nham Trịnh Như Tấu (tác giả của những “Trịnh gia chính phả”, “Hưng Yên địa chí”, “Bắc Giang địa chí”…) thì sống vào khoảng đời vua Minh Mạng. Ông bản quán nơi đất làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh mà vùng đất Bắc Ninh vốn là đất văn vật có tiếng chứ chẳng vừa.

Hãy xem, “Đại Nam nhất thống chí” khi nói về phong tục nơi đây, đã có lời rằng: “Trong toàn tỉnh, người chuyên nghề sĩ và nghề nông có ba phần, chuyên nghề thương mãi chỉ có một phần”. Lại khen tiếp đất quê họ Trịnh là “Như làng Phù Đổng có tiếng là làng trung nghĩa”. Sống nơi đất ấy, lẽ thường các ông nghè, ông cống bước chân ra từ đường lều chõng không ít đâu. Trong số đó, Trịnh Hoa Đường góp một.

Theo lời “Tri Tân tạp chí” số 20 (ra ngày 24/10/1941) khi viết về họ Trịnh cho hay, Trịnh Hoa Đường vốn là một “thiên tài lỗi lạc, văn chương xuất chúng, mới 13 tuổi, đã đỗ tiến sĩ, tên vào chín bệ”. Ở cái tuổi ấy, từng có Trạng Non Nguyễn Hiền thời Trần đứng trên bao người hơn tuổi rồi. Nhưng với riêng họ Trịnh, kể ra thế cũng đã là đặc biệt. Đỗ đạt tuổi này, càng cho thấy cái sức học cũng như thiên tư hơn người của ông.

Lại cũng bởi mới ở tuổi thiếu niên mà đã đăng khoa, thế nên như lời thuật của cụ Nhật Nham, mới có chuyện vua Minh Mạng khi xướng danh, thấy tân khoa tóc còn để chỏm, thì lấy làm cảm mến mà khen ngợi. Vua lại cho Trịnh được vào cung, ban yến và hầu chuyện văn chương với ngài.

Tuổi nhỏ, mà Hoa Đường tỏ ra bản lĩnh, tỏ bày sự ứng đối rất ư lưu loát. Vẫn theo lời cụ Nhật Nham, vua còn đưa cho Hoa Đường cuốn Kim Vân Kiều của cụ Nguyễn Du, họ Trịnh đọc, cầm bút sửa lại mấy câu thơ. Vua đồng ý và ban khen. Chỉ vậy, đã thấy được thiên tài của họ Trịnh rồi vậy.

Tạp chí Tri Tân số 20

Vạ đâu rơi xuống

Tuổi nhỏ đăng khoa, nhưng đã được vua Minh Mạng trực tiếp thẩm định tài học, bởi thế mà ông nghè họ Trịnh tuy còn thiếu niên, đã được vua tin tưởng giao ngay cho chức quan để lập tức cung hiến tài năng phục vụ triều đình. Trong bài “Ông nghè 13 tuổi: Trịnh Hoa Đường” có cho biết vua Minh Mạng trước khi cho quan nghè vinh quy bái tổ, đã thân hành ban thưởng vàng bạc và cầm tay mà bảo: “Trẫm hận phùng quân chỉ bất tảo dã! Hà Tiên chi sự trẫm tất phó khanh”. (Trẫm ân hận không được gặp khanh sớm hơn nữa! Công việc cai trị tỉnh Hà Tiên, trẫm ủy thác vào khanh đấy).

Thế là sau khi vinh quy bái tổ, quan nghè họ Trịnh măng sữa lên đường quay lại vào Nam làm Tuần phủ Hà Tiên. Khi làm chức phận của kẻ chăm dân, trong thời gian trấm nhận đất này, Trịnh Hoa Đường “nghĩ đến tình dân, kế nước, trong thì lo việc trị an cùng sinh kế của dân chúng, ngoài thì thu xếp việc ngoại giao với Xiêm La rất chu đáo”. Giữ chức phận nơi đất biên cương của Tổ quốc mà làm được vậy, quan nghè họ Trịnh đã xứng với sự tin tưởng của vua Nguyễn rồi đó.

Hiềm nỗi, tuổi đời còn trẻ, mà cụ Nguyễn Du từng có câu “Chữ tài đi với chữ tai một vần”. Có phải thế chăng mà cái vận của vị tiến sĩ trẻ tuổi, phải vướng vào tai ương sau đó. Sự thể là, làm Tuần phủ Hà Tiên, chăm dân, đối ngoại đều giỏi, nhưng một phần vì thế mà Án sát Hà Tiên nhiều tuổi, đem lòng đố kỵ với quan Tuần phủ đáng tuổi cháu con, bởi thân già mà lại dưới quyền “đứa trẻ ranh”.

Thế nên, mới sinh chuyện. Quan án sát tìm kế hãm hại họ Trịnh, sàm tấu về quan Tuần phủ, việc đến tai triều đình. Vua Minh Mạng nghe lời tâu bậy ấy, thì lấy làm tin, hạ chỉ bắt Trịnh Hoa Đường, đóng cũi giải về kinh để trị tội. Hẳn lời tâu của quan án sát, đã biến kiến thành ong để thổi phồng tội trạng của họ Trịnh lên, nên vua Nguyễn mới tin được như thế. Tiếc rằng, chúng ta chưa có thêm tư liệu nào để “giải mật” cho nội dung ấy. Còn riêng họ Trịnh, thì rõ là đường làm quan đã không phẳng phiu như đường nghiên bút rồi.

Án oan xử giảo

Nỗi oan thấu trời, chẳng khác gì oan Thị Kính vậy. Chẳng biết tỏ bày sao cho thấu lên đấng kim thượng nổi tiếng là người nghiêm khắc, quan trẻ tuổi họ Trịnh, giờ là tội nhân chỉ biết ngồi trong cũi, mà ngâm thơ để tỏ tấc lòng mình.

Trên đường xe tù giải về kinh đô Huế, Trịnh Hoa Đường thâm bị giam cầm, mà thơ thì cứ theo lòng mà tuôn. Đi theo xe tù, là học trò của họ Trịnh. Cảm thương cho thầy mình, cứ thế mà thầy ngâm đến đâu, trò chép lại đến đấy. Tiếc rằng, như lời cụ Nhật Nham thì những tứ thơ ấy, nay đã mất hết cả, không còn dấu tích gì, nhưng vẫn còn hai câu dưới đây được truyền tụng lại, nguyên văn là:

Huân cao thặng dữ sơn hà cộng,

Đái lệ hưu tương bạc Hán hoàng.

Khi đi thân là quan lớn triều đình, khi trở lại kinh đã mang án, là tội nhân. Khi xét tội, Trịnh Hoa Đường bị kết án xử giảo phải chết, còn con cháu họ Trịnh sau này, sẽ không được hưởng bất cứ ân điển gì của triều đình, mà đường khoa cử cũng bị cấm tiệt theo pháp luật quy định bấy giờ.

Nhưng vẫn theo “Tri Tân tạp chí”, Trịnh Hoa Đường phải tội chết. Sau này, triều đình xét ra nỗi oan khiên của nhà khoa bảng yểu mệnh, đã có lệnh tha cho con cháu của ông, thế nên sau này hậu duệ mới có đường mà tiến thân khoa bảng. Dẫu vậy, thì người cũng đã nằm sâu dưới nầm mồ xanh cỏ lâu rồi. Thiên tài, mệnh bạc là đây chứ đâu xa xôi.

Riêng chúng tôi, nếu tìm thêm được việc gì liên quan đến cái án họ Trịnh nữa, lại xin cung hiến tiếp cho bạn đọc được tỏ tường thêm…

Trần Đình Ba

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//rubic-cuoc-song/nhan-tai-doan-menh-vi-loi-sam-tau-cua-ke-tieu-nhan-358452.html