Nhân rộng thanh toán trên di động

Smartphone trong thời đại số không còn là phương tiện chỉ để liên lạc, mà nó còn được khoác một vai trò mới - một 'ví điện tử' thời công nghệ. Người dùng không cần phải mang theo quá nhiều tiền mặt hay hàng tá các loại thẻ ngân hàng khác nhau.

Kể từ ngày 29/9/2017, các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 6 ngân hàng: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank có thể giao dịch thanh toán thẻ bằng Samsung Pay tại các đơn vị chấp nhận thẻ tại Việt Nam chỉ với “một chạm” vào máy quẹt thẻ qua điện thoại Samsung đã cài đặt ứng dụng Samsung Pay.

Mặt khác, Samsung Pay được cài đặt sẵn trên hầu hết các dòng smartphone cao cấp của Samsung, bao gồm Galaxy S6edge +, Galaxy S7, Galaxy S7edge + , Galaxy S8+, Galaxy S8, Galaxy Note 5, Galaxy Note8 và một số mẫu smartphone cận cấp cao Galaxy A nên trong tương lai, độ phủ sóng của Samsung Pay sẽ mở rộng nhanh chóng, nhiều chuyên gia dự báo.

Trong câu chuyện thanh toán, công nghệ số đưa người tiêu dùng Việt lên một tầm cao mới

Đó còn nhờ tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đã lên đến 36% dân số với khoảng 120 triệu thuê bao di động. Cùng với sự xuất hiện của Samsung Pay tại Việt Nam không chỉ giúp các ngân hàng và NAPAS tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thanh toán theo xu hướng công nghệ di động trên toàn cầu mà còn gián tiếp góp phần quan trọng vào việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nâng cao tính sẵn có và tính tiện ích cho các dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam đến với người dân nhanh nhất có thể.

Trước đó, Visa đã cho ra mắt công nghệ mã QR và điện thoại di động - mVisa. CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) cũng vừa ra mắt Cổng thanh toán VNPAYQR. Theo đó, khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng, sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thanh toán hóa đơn trong vài giây. Sacombank vừa hợp tác với Visa và MasterCard đưa ra công nghệ thanh toán di động không tiếp xúc.

“Một chạm” và nhiều tiện ích

Không cần thẻ, với thao tác “một chạm” (quét dấu vân tay, mống mắt hoặc nhập mã PIN) và đưa điện thoại vào gần khe kết nối của các máy quẹt thẻ (máy POS) để thanh toán, không phải xuất trình thẻ. Samsung Pay đang chứng tỏ rằng, cùng với sự lên ngôi của điện thoại thông minh là sự "thất sủng" của tiền mặt, còn những chiếc máy ATM sắp đến hồi kết?

Vì thế, smartphone trong thời đại số không còn là phương tiện chỉ để liên lạc, mà nó còn được khoác một vai trò mới - một "ví điện tử" thời công nghệ. Người dùng không cần phải mang theo quá nhiều tiền mặt hay hàng tá các loại thẻ ngân hàng khác nhau.

Tốc độ tăng trưởng thanh toán qua thẻ có bước tăng trưởng nhanh song doanh số thanh toán tiền mặt vẫn lớn hơn rất nhiều, cao gấp 10 lần thanh toán trên POS. Qua khảo sát, nguyên nhân lớn nhất là do người dùng vẫn quen sử dụng tiền mặt, nhất là chưa thật yên tâm về tính bảo mật, sự an toàn của thanh toán điện tử. Các điểm bán hàng thì... ngại bỏ chi phí đầu tư các thiết bị chấp nhận thẻ. Mặt khác, do trình độ dân trí còn thấp, ngoại trừ tại các thành phố lớn, người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với khái niệm ngân hàng trực tuyến hoặc lóng ngóng trong thao tác công nghệ nên vẫn muốn lựa chọn chi tiêu bằng tiền mặt trong giao dịch thanh toán cho an toàn.

Dù có nhiều chia sẻ về tính năng an toàn, bảo mật, cũng như sự tiện dụng của Samsung Pay như Samsung Pay sử dụng công nghệ số hóa tokenization với nền tảng bảo mật cao cấp Samsung KNOX và các phương pháp xác thực sinh trắc học (quét vân tay, quét mống mắt) hoặc mã PIN để có thể thanh toán một cách an toàn và giảm nguy cơ rủi ro về bảo mật vốn tồn tại trên thẻ nhựa. Song lo ngại của người dùng còn đến từ một nghiên cứu của Bkav cho thấy, công nghệ nhận dạng mống mắt ứng dụng trên dòng điện thoại Samsung Galaxy S8 có thể dễ dàng bị qua mặt chỉ với một chiếc máy ảnh và một chút hồ dán nước. Và, chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng nên thận trọng khi sử dụng công nghệ quét mống mắt, không nên dùng trong những giao dịch cần sự đảm bảo cao như: tài chính, ngân hàng…

Hơn thế nữa, bảo mật cũng là yếu tố được đề cao, kích thích sự phát triển của việc thanh toán di động, thay vì sử dụng thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản thường thấy. Cho đến thời điểm hiện nay, thanh toán di động hứa hẹn hợp nhất mọi loại hình thanh toán trên tất cả các kênh về một phương thức chung an toàn, bảo mật và dễ sử dụng, chuyên gia Hãng nghiên cứu IDC Financial Insights chia sẻ. Nếu áp dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam, khi hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa theo kịp như mạng wifi còn chập chờn, máy POS chưa phổ biến. Thêm nữa, việc thanh toán bằng thẻ tín dụng hay thẻ trả trước không còn mới lạ tại Việt Nam nhưng hình thức này đang tập trung vào khối người tiêu dùng có mức thu nhập cao.

Dù bật mí riêng từ ông Kim Cheol Gi, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina rằng, sẽ không phát sinh chi phí lớn cho các điểm chấp nhận thẻ và cơ sở kinh doanh nhờ công nghệ "truyền dữ liệu an toàn qua từ tính" (MST) và công nghệ "giao tiếp không dây tầm gần", Samsung Pay có thể kết nối với các đơn vị trung gian thanh toán qua cổng POS và có thể hoạt động ở hầu hết mọi nơi bạn có thể quẹt thẻ. Có thể hiểu ngầm rằng, chi phí cho các điểm chấp nhận thẻ và cơ sở kinh doanh đó là những chi phí “hiện hữu” nhưng để vận hành một giải pháp thanh toán mới, ngân hàng đó còn cần có nguồn nhân lực phù hợp, nghĩa là chi phí đào tạo, chạy thử cho suôn sẻ mới đưa vào ứng dụng… Đây được coi là chi phí lớn với ngân hàng nhỏ, và nhỏ với ngân hàng lớn.

Tuy tiện ích nhiều nhưng để giải pháp thanh toán di động mới này vận hành hiệu quả, đại diện Samsung cho rằng, vẫn cần có sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng của cả hệ sinh thái mở rộng gồm ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán, Công ty FINTECH, các điểm bán lẻ cũng như sự gia nhập đông đảo của người dùng smartphone mới mong ngày càng đưa ra thêm nhiều hơn nữa sự lựa chọn cho khách hàng trong khi vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật trong thanh toán.

Thị trường thanh toán điện tử Việt Nam vừa đón nhận sự nhập cuộc của hình thức thanh toán trực tiếp trên điện thoại di động - Samsung Pay. Vì Samsung Pay là ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động Samsung, hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của NAPAS, kết nối với hệ thống các ngân hàng để cung cấp dịch vụ thanh toán di động một cách nhanh chóng, đơn giản và an toàn. Đây được đánh giá là một dịch vụ mang lại rất nhiều tiện ích cho người dùng nên phần lớn giới chuyên môn đều hy vọng người dùng sử dụng dịch vụ trong thời gian sớm nhất có thể.

Hà Nguyễn

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nhan-rong-thanh-toan-tren-di-dong-68564.html