Nhân rộng mô hình từ Quỹ Khuyến nông

Sau mười năm thành lập, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ hơn 1.800 lượt hộ nông dân ngoại thành được vay vốn, với số vốn quay vòng hơn 200 tỷ đồng, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa như bò sữa, lợn thịt, gia cầm, thủy sản, rau an toàn, hoa quả chất lượng cao, từ đó tạo nguồn cung thực phẩm an toàn cho Thủ đô.

Năm nay, UBND thành phố Hà Nội quyết định bổ sung thêm 20 tỷ đồng vào Quỹ Khuyến nông, nâng tổng kinh phí của quỹ lên gần 100 tỷ đồng, tập trung cho vay vào các mô hình sản xuất thuộc các xã xây dựng nông thôn mới, vùng sản xuất tập trung; các hộ, tập thể, doanh nghiệp cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất, bảo quản, chế biến hàng hóa nông sản... nhằm giúp người nông dân tăng thu nhập, đầu tư sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa.

Không chỉ TP Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố khác, bằng nguồn vốn từ hệ thống Quỹ khuyến nông đã xây dựng được nhiều mô hình tiên tiến, đạt hiệu quả kinh tế cao. Quỹ khuyến nông như một kênh tài chính hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất hàng hóa một cách hiệu quả. Với mức vay thấp, thời gian cho vay phù hợp theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp (cao nhất từ 24 đến 36 tháng/lần vay), đã giúp người vay vốn chủ động được kế hoạch sản xuất.

Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình khuyến nông kiểu này ra diện rộng còn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là người sản xuất thiếu kinh phí đầu tư; nguồn vốn đầu tư các mô hình khuyến nông theo quy định tại Nghị định 02/2010/NĐ-CP hạn chế. Hơn nữa, nông nghiệp là ngành luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả thị trường... Trong khi đó, yêu cầu xã hội lại luôn đòi hỏi một nền nông nghiệp xanh, sạch và an toàn thực phẩm.

Để Quỹ khuyến nông hoạt động có hiệu quả, rất cần những chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hoặc hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian nhất định, để nông dân có đủ vốn mua những thiết bị, vật tư, phương tiện đồng bộ, phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản theo quy trình công nghệ hiện đại. Có như vậy, mới tránh được tình trạng cắt xén quy trình sản xuất, bảo đảm hiệu quả công nghệ, kỹ thuật mới trong các mô hình khuyến nông.

Quỹ khuyến nông là nguồn vốn đầu tư có thu hồi, được bảo quản tốt, sẽ phát triển và ngày càng phát huy hiệu quả khi gắn liền với công tác quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đặc thù từng địa phương. Vì vậy, để nhanh chóng tạo nên những vùng nông sản hàng hóa, chất lượng cao theo hướng bền vững, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan và sự vào cuộc một cách tích cực, quyết liệt từ phía địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình từ Quỹ khuyến nông.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/nhan-r-ng-mo-hinh-t-qu-khuy-n-nong-1.343886