Nhân rộng diện tích, phát triển quy mô trồng cây dược liệu ở Hà Nội

Hà Nội trồng thêm hàng trăm ha cây dược liệu trên diện tích đất bị bỏ hoang.

Dược liệu vốn là cây trồng thế mạnh ở nhiều địa phương của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, có thời điểm, Pháp lệnh Giống cây trồng 15/2004/PL-UBTVQH11 không quy định về giống cây trồng là cây dược liệu nên việc quản lý nhà nước, chỉ dẫn địa lý của người dân, HTX, doanh nghiệp dược liệu gặp nhiều bất cập.

Tuy nhiên thời gian gần đây, Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước được phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Trồng trọt năm 2018 cũng đã quan tâm đến cây dược liệu. Những chính sách đặc thù đối với nhóm cây dược liệu cũng ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã ở Hà Nội phát triển loại cây trồng này theo chuỗi giá trị.

Theo đó, diện tích canh tác cây dược liệu hiện nay của nhiều hợp tác xã từng là vùng đất trũng thấp, năng suất trồng lúa kém hiệu quả. Một số diện tích thậm chí còn bị bà con bỏ hoang do hiệu quả sản xuất không cao. Tuy nhiên, khi hợp tác xã trồng cây dược liệu, diện tích đất trên đã được cải tạo và rất thích hợp với đặc tính cây dược liệu nên mang lại giá trị kinh tế cao. hợp tác xã cũng phát triển dựa vào quy hoạch của thành phố nên có định hướng, kế hoạch rõ ràng.

Nhờ các mô hình trồng dược liệu theo chuỗi giá trị của các hợp tác xã mà đến nay, toàn thành phố đã có 673ha cây dược liệu. Trong đó, huyện Sóc Sơn có 171ha, Mỹ Đức 61,2ha, Ba Vì 30ha…

Dược liệu vốn là cây trồng thế mạnh ở nhiều địa phương của thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, để phát triển cây dược liệu cần có sự liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp. Bởi việc sản xuất cây dược liệu đòi hỏi các tiêu chuẩn và quy định khắt khe, nếu người dân trồng cây dược liệu theo hướng tự phát sẽ khó đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, việc các hợp tác xã đứng đầu hỗ trợ người dân tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các mối liên kết với doanh nghiệp. Vì vậy, không ít các sản phẩm dược liệu của các hợp tác xã đã được vào các hệ thống siêu thị khó tính và xuất khẩu.

Đặc biệt, đối với những hợp tác xã đang đẩy mạnh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tập trung tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn... đang từng bước góp phần đưa dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội, giúp thành phố phát triển lâm nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, sản xuất cây dược liệu phải tuân thủ nghiêm những quy định về trồng, chăm sóc, nếu không được học tập, tập huấn, nông dân khó có thể trồng, chăm sóc được các loại cây này. Chính vì vậy, ngoài những chính sách chung, việc tháo gỡ những khó khăn cho các hợp tác xã cũng là cách giúp Hà Nội phát triển bền vững các chuỗi dược liệu.

'Thần Dược' Chữa Được Nhiều Bệnh, Mọc Đầy Ở Việt Nam Không Phải Ai Cũng Biết | SKĐS

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-rong-dien-tich-phat-trien-quy-mo-trong-cay-duoc-lieu-o-ha-noi-169230915185830701.htm