Nhan nhản “quan” dùng bằng giả?

(Kienthuc.net.vn) - Không chỉ lãnh đạo xã, một số cán bộ, "quan" huyện, tỉnh cũng dùng bằng giả để giữ "chiếc ghế" giành được bằng cách nào đó. Thế nhưng, ngay cả sau khi bị lật tẩy, họ vẫn an toàn, thăng quan tiến chức.

Bằng giả từ cấp THPH đến ĐH...

Theo phản ánh của người dân xã Hoằng Kim, thời gian gần đây người dân phát hiện ông phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cùng Trưởng Công an và Kế toán ngân sách đã sử dụng bằng cấp 3 giả nhưng vẫn được bổ nhiệm lên những vị trí quan trọng như hiện nay.

Trước sự việc trên, Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra UBND huyện Hoằng Hóa đã vào cuộc, xác minh. Qua kiểm tra, xác minh, các cơ quan chức năng đã khẳng định sự việc phản ánh của nhân dân là có thật. Theo kết luận ngày 18/1 của Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và Thanh tra UBND huyện Hoằng Hóa, các văn bằng mà 3 vị cán bộ xã này cung cấp cho các đoàn thanh tra đều không có trong hồ sơ lưu trữ cấp bằng tốt nghiệp THPT - BTTHPT của sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa.

Học bạ của ông H. chủ tịch xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị chữa tên nhoe nhoét. Ảnh: Vietnamnet

Theo kết quả xác minh văn bằng của thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, căn cứ vào hồ sơ lưu trữ cấp bằng tốt nghiệp THPT và Bổ túc THPH thì không có tên ông H. (Chủ tịch xã), sinh ngày 20/3/1967, học sinh Trường THPT Hoằng Hóa 2, trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc THPT năm 1987 tại hội đồng thi Hoằng Hóa 1.

Trước đó, năm 2011 cũng tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Xương đã ra Quyết định cách chức Chủ tịch UBND xã Quảng Hải nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Bùi Ngọc Vương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải vì dùng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT giả. Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan chức năng xác minh đơn tố giác của nhân dân địa phương việc ông Vương dùng bằng tốt nghiệp Bổ túc THPT của người khác để tẩy sửa, phôtô công chứng làm bằng của mình để đi học cao hơn và tham gia các chức danh quản lý, lãnh đạo.

Tại Quảng Ngãi, tháng 10/2011, huyện ủy Tư Nghĩa cũng đã xử lý kỉ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Lương Phước Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND và ông Nguyễn Minh Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ, vì sử dụng bằng giả. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra huyện ủy Tư Nghĩa, ông Hồng và ông Tân, đã mượn bằng tốt nghiệp THPT của người khác, rồi sửa chữa thành của mình. Tại kỳ bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Hồng và ông Tân, đã trúng cử và được bầu vào các vị trí lãnh đạo trên.

Còn tại tại Kiến Thụy, Hải Phòng năm 2010 cũng phát hiện một “quan” xã dùng bằng giả để “trụ” vị trí lãnh đạo. Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hiền, khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp (Kiến Thụy - Hải Phòng). Dù mới học hết lớp 7, nhưng nhằm ‘bôi trơn” cho con đường thăng tiến, ông Hiền đã móc nối với một “quan chức” Trường BTVH Trung học huyện Kiến Thụy để "hợp thức hóa" tiêu chuẩn cán bộ bằng tấm bằng BTVH.

Không chỉ lãnh đạo xã, thời gian qua, nhiều “quan” huyện, tỉnh dùng bằng giả từ bằng THPT đến ĐH đã bị người dân “vạch mặt”.

Ngày 24/8/2011, Quận ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã có quyết định kỷ luật Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị do sử dụng bằng cấp trái pháp luật. Theo hồ sơ, từ năm 1986-1987, ông Thị hoàn thành chương trình THPT hệ bổ túc văn hóa tại Trường cấp III Nguyễn Trãi nhưng không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông vẫn được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) cấp bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc văn hóa. Với tấm bằng giả này, ông Thị tiếp tục theo học ĐH Chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (năm 1999) và tốt nghiệp ĐH Luật tại ĐH Huế (năm 2002).

Vẫn giữ chức, thăng chức

Nhiều quan chức sau khi bị vạch mặt dùng bằng cấp giả mạo đã bị kỷ luật, cách chức nhưng cũng không ít trường hợp sau khi kỷ luật vẫn giữ chức, thậm chí thăng chức.

Tại Yên Định, Thanh Hóa cũng năm 2011 cũng có một “quan” xã bị người dân tố cáo dùng bằng giả mà vẫn giữ chức chủ tịch xã. Theo cơ quan thanh tra huyện, tháng 8/2010, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ, Ban Thường vụ huyện Yên Định yêu cầu ông Trịnh Trung Duy cung cấp lý lịch, văn bằng của cá nhân và các tài liệu liên quan để hoàn thiện hồ sơ quản lý cán bộ. Để hồ sơ được “đẹp”, dù không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng ông Duy đã lấy bằng của người khác rồi dán ảnh, thay tên của mình vào và đem phôtô, đóng dấu công chứng “sao y bản chính” lên tấm bằng giả để nộp lên cấp trên. Tuy nhiên, việc làm giả bằng tốt nghiệp THPT của ông Duy đã bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ huyện Yên Định phát giác và bị kỷ luật. Sau đó, ông Trịnh Trung Duy đã thú nhận với cơ quan chức năng huyện Yên Định toàn bộ hành vi làm giả bằng tốt nghiệp THPT của mình.

Thế nhưng, với hành vi giả mạo trên, ông Duy chỉ nhận hình thức cảnh cáo và được “ưu ái” tiếp tục giữ chức chủ tịch xã cho dù theo quy định của Bộ Nội vụ từ năm 2004, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND cấp xã là phải tốt nghiệp THPT.

Tương tự, những sai phạm của ông Đinh Công Toản, Phó bí thư quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hải An (Hải Phòng) năm 2006 trong việc sử dụng văn bằng giả cũng trong chung cảnh “giải quyết rồi …bỏ đấy”. Ông Toản mắc phải 4 sai phạm nghiêm trọng : không có bằng cấp II nhưng vẫn được vào học và tốt nghiệp chương trình cấp III BTVH hệ bồi dưỡng cán bộ; mặc dù chỉ có giấy chứng nhận BTVH hệ bồi dưỡng (do Sở GD-ĐT Hải Phòng cấp) nhưng ông Toản vẫn được vào học lớp đại học luật tại chức ở Hải Phòng trực thuộc Trường Đại học Luật Hà Nội. Ông Toản đã học từ năm 1994-1998 và đã được cấp bằng đại học. Không chỉ thế, năm 1995, khi chưa có bằng tốt nghiệp đại học Luật, ông Toản đã khai man là có bằng thứ nhất này để xin vào học tích lũy kiến thức lấy bằng đại học thứ hai ở trường ĐH Nông nghiệp I Hà nội. Sau khi có bằng tốt nghiệp đại học Luật, ông Toản đã được thi và cấp bằng tốt nghiệp đại học tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà nội.

Điều đáng nói, nhiều tháng sau khi có kết luận làm rõ sai phạm của cơ quan kiểm tra, ông Toản vẫn chưa có bản kiểm điểm cũng như tự nhận hình thức kỷ luật nào cả.

Đây cũng là cách xử lý của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Phúc - cán bộ Ban đại diện người cao tuổi, thuộc UBMTTQ tỉnh năm 2010. Sau gần 1 hơn một năm cơ quan kiểm tra tỉnh phát hiện ông Phúc không trung thực, sử dụng bằng giả nhưng UBMTTQ tỉnh cũng như ngành chức năng chưa đưa ra xử lí khiến nhiều cán bộ trong cơ quan này tỏ ra bức xúc.

Theo hồ sơ, mặc dù thực tế mới học hết lớp 7 nhưng sau khi xin được vào làm việc tại Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh, ông Phúc đã dùng mọi chiêu trò để làm bằng giả THPT để hoàn thành hồ sơ theo học các khóa đào tạo lấy bằng cao hơn. Thế nhưng “đi đêm cũng có ngày gặp ma”, mọi chiêu trò dối trá, lừa đảo của ông Phúc đã bị lật tẩy. Ấy vậy mà, ông vẫn ung dung đương chức sau khi bị lật tẩy sau đó ít nhất 1 năm.

Điểm mặt các vụ cán bộ, quan chức địa phương dùng bằng giả không thể vắng mặt vụ việc của tỉnh Cà Mau, năm 2003. Năm đó, Ban Chỉ đạo Kiểm tra văn bằng, chứng chỉ tỉnh này đã phát hiện trong tỉnh có trên 600 trường hợp cán bộ sử dụng bằng cấp có vấn đề. Trong đó, nhiều cán bộ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, đa số những người này vẫn cứ thăng quan tiến chức. Ví như trường hợp của ông Lâm Quang Gẫm lúc đó làm Cục trưởng Cục Thuế Cà Mau sau một thời gian “tạm lánh” vì bị phát hiện dùng bằng giả không lâu, ông Gẫm lại được tiến cử làm chánh Văn phòng HĐND tỉnh Cà Mau nhiều năm sau đó.

Hay trường hợp ông Trần Trọng Hữu làm Phó chánh án TAND tỉnh Cà Mau lúc đó, từng bị TAND Tối cao quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách vì sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT bất hợp pháp từ những năm 1999 – 2005. Thế nhưng, điều lạ lùng là bằng ĐH luật của ông Hữu vẫn được công nhận và sau đó ông được bổ nhiệm làm chánh án TAND tỉnh Cà Mau.

Với tần số quan chức xã, huyện, tỉnh gian lận trong việc sử dụng bằng cấp liên tiếp bị phát hiện trong những năm gần đây khiến dư luận lo ngại về vấn nạn bằng giả và cho rằng, nếu có một cuộc tổng kiểm tra ắt hẳn “sờ đâu sẽ trúng đó”.

TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/diem-nong/201301/Nhan-nhan-quan-dung-bang-gia-892574/